Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:36 GMT+7

Xây dựng thương hiệu du lịch Si Ma Cai: Lấy văn hóa bản địa làm nền tảng

Biên phòng - Coi di sản văn hóa là tài nguyên, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đang hướng đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch qua việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa đậm đà bản sắc gắn với cuộc sống thường nhật của cộng đồng người dân tộc thiểu số. Địa phương này đã lên kế hoạch đầu tư hơn 42 tỉ đồng trong 5 năm (2020-2025) để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch.

Âm nhạc truyền thống của người Mông sẽ được huyện Si Ma Cai nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung khai thác nhiều hơn để phục vụ khách du lịch (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Văn Thắng

Gần hơn Si Ma Cai

Si Ma Cai là huyện biên giới, miền núi của tỉnh Lào Cai có 15 dân tộc sinh sống với nền văn hóa đa sắc và độc đáo. Vùng đất này có phong cảnh núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, trong lành, rất thích hợp để nghỉ dưỡng. Tôi còn nhớ mãi cảm giác xa xôi, hẻo lánh khi lần đầu tiên đặt chân lên Si Ma Cai. Quãng đường khoảng 100km từ thành phố Lào Cao lên Si Ma Cai như dài hơn bởi đèo dốc quanh co, khúc khuỷu. Bù lại quãng đường đi đằng đẵng, Si Ma Cai khiến những người khách lạ như tôi choáng ngợp trước cảnh núi non trùng điệp, chợ phiên sôi động, rực rỡ sắc màu thổ cẩm, nông sản tươi ngon.

Bây giờ, Si Ma Cai không còn quá xa xôi nữa vì đường sá đã được mở rộng và trải nhựa. Sự hấp dẫn của Si Ma Cai không chỉ đến từ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, mà còn đến từ bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây. Đó là kiến trúc nhà ở, là phục trang truyền thống thêu tay với hoa văn đa dạng, là nền ẩm thực phong phú, là những sản phẩm thủ công tinh xảo.

Có lẽ, điều thích thú nhất khi đến Si Ma Cai là được sà vào chợ phiên – nơi thể hiện sinh động nhất văn hóa của người bản địa. Du khách có thể ngắm nghía đến “no mắt” váy áo rực rỡ của người dân tộc, thỏa thuê thưởng thức những sản vật do chính người dân ở đây làm ra. Nếu đúng thứ 4, bạn có thể ghé vào chợ Sín Chéng, chứng kiến không gian văn hóa đậm sắc màu thổ cẩm của người Mông. Vào ngày thứ 7, bạn có thể ghé chợ Cán Cấu - điểm buôn bán trâu lớn nhất vùng Tây Bắc.

Trong những năm gần đây, Si Ma Cai chú trọng hơn đến công tác bảo tồn văn hóa. Hằng năm, địa phương này vẫn duy trì lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, thôn Sảng Sín Pao, xã Sín Chéng; lễ hội Xuống đồng và lễ hội cúng rừng của dân tộc Nùng thôn Đội 2, xã Nàn Sán; lễ hội cúng rừng thôn Lùng Sán, xã Lùng Thẩn. Ngoài ra, lễ hội cúng rừng của người Mông tổ dân phố Phố Cũ, thị trấn Si Ma Cai đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đặc biệt, Si Ma Cai còn tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng như: Mận Tả Van, lê Tại Nung, tam thất, đương quy, rượu ngô, gắn với vùng hoa tam giác mạch và duy trì các lễ hội truyền thống, chợ phiên đã góp phần thu hút khách du lịch tới thăm quan Si Ma Cai ngày càng nhiều hơn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, địa phương này đã thu hút 124.000 lượt khách đến du lịch thăm quan, trong đó, có 36.000 lượt khách quốc tế.

Xây dựng tuyến du lịch gắn với chợ phiên, làng nghề

Xác định văn hóa là tài nguyên, huyện Si Ma Cai đang tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch với mục tiêu đến năm 2025 đón được 270.000 lượt khách. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục bảo tồn các lễ hội truyền thống và sưu tầm phục dựng, bảo tồn một số làn điệu dân ca, dân vũ, các môn thể thao dân tộc tiêu biểu phát triển thành các tiết mục văn nghệ đặc sắc biểu diễn phục vụ du khách.

Huyện Si Ma Cai đang tập trung xây dựng các chợ phiên thành điểm du lịch với nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng, trong đó có chợ trâu Cán Cấu vốn đã nổi tiếng cả vùng miền núi Tây Bắc. Ảnh: Thúy Hằng

Cùng với đó, Si Ma Cai tiếp tục xây dựng các điểm đến để phục vụ du khách. Trước hết là quy hoạch, tôn tạo lại thành cổ xã Lùng Thẩn, xây dựng miếu thờ 2 vị Anh hùng dân tộc (Giàng Chân Mìn, Giàng Chấn Hùng), quy hoạch vùng trồng hoa tam giác mạch, oải hương tại thành cổ tạo thành điểm du lịch. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Si Ma Cai sẽ xây dựng các điểm du lịch đa dạng, tạo cho du khách nhiều lựa chọn.

Đó là làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Lùng Thẩn với trải nghiệm hái lê, mận, thăm thành cổ, ngắm hoa tam giác mạch, oải hương, trải nghiệm lễ hội cúng rừng... Làng văn hóa cộng đồng xã Sín Chéng với trải nghiệm thăm quan nhà cổ truyền thống của dân tộc Mông thôn Mào Sao Phìn, chợ Sín Chéng, làng nghề dệt thổ cẩm, dự lễ hội Gầu Tào.

Một điểm đến nữa là trung tâm thị trấn Si Ma Cai, với chợ đêm Si Ma Cai, trải nghiệm các môn thể thao dân tộc, thăm quan đền Si Ma Cai, miếu Cô Tiên, miếu thờ Anh hùng dân tộc Giảng Lao Pà. Ở điểm du lịch này, du khách có thể thăm làng nghề làm hương xã Sán Chải, mô hình trồng tam thất, sản xuất trà tam thất xã Quan Hồ Thẩn, thảm trải nghiệm lễ hội xuống đồng của người Nùng, trải nghiệm lưu trú trên cây trong rừng nguyên sinh.

Thực tế, Si Ma Cai đã xây dựng được các tour, tuyến du lịch gắn với các chợ phiên. Trong thời gian tới, chợ phiên Cán Cấu sẽ được đầu tư xây dựng thêm gian hàng giới thiệu tuyến, điểm du lịch, trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng của Si Ma Cai, kết nối với làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề nấu rượu thôn Cán Cấu và hồ Cán Cấu.

Ngoài ra, Si Ma Cai sẽ xây dựng 3 điểm dừng chân ngắm cảnh dọc quốc lộ 4D và tuyến du lịch nội địa Lùng Thẩn - Cán Cấu - Si Ma Cai - Sín Chéng - Bản Mế, kết nối với huyện Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai) và huyện Xín Mần (Hà Giang). Cùng với đó, địa phương này sẽ phát triển các sản phẩm độc đáo của làng nghề truyền thống thành quà lưu niệm như: Túi thổ cẩm, khăn choàng, trang phục dân tộc Mông, Nùng, Thu Lao, một số hàng thủ công mỹ nghệ...

Thu Hằng

Bình luận

ZALO