Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 06:07 GMT+7

Chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022):

Xây dựng thế trận và tạo thời cơ chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Biên phòng - Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đánh đổ ách thống trị thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của Mỹ. Để có được thắng lợi này, trên cơ sở nhận định và đánh giá đúng thực tiễn, Đảng đã có kế hoạch xây dựng thế trận và tạo thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, ngày 30-4-1975, đánh dấu sự thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ảnh: TTXVN

Xây dựng thế trận

Việc Mỹ rút quân sau Hiệp định Paris năm 1973 đã tạo cơ hội rất lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 10 và tháng 12-1974, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cùng các cán bộ chủ chốt ở chiến trường đã họp bàn về quyết tâm và kế hoạch giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975-1976. Ngoài kế hoạch này, Bộ Chính trị còn dự kiến, nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Trong một bài xã luận trên Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 1-5-1975 đã viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.

Thực hiện kế hoạch trên của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, 2 miền Nam, Bắc khẩn trương hoàn tất các mặt chuẩn bị, cả về thế và lực. Miền Bắc đã chi viện 11 vạn cán bộ, chiến sĩ, vận chuyển hơn 400.000 tấn vật chất vào miền Nam. Những quân đoàn chủ lực cũng được thành lập, trong đó, Quân đoàn 1 thành lập ngày 24-10-1973, Quân đoàn 2 thành lập ngày 17-5-1974, Quân đoàn 4 thành lập ngày 20-7-1974, Quân đoàn 3 thành lập ngày 26-3-1975 (khi đang trong quá trình đánh Tây Nguyên), Đoàn 232 (sau đổi tên thành Binh đoàn cánh Tây Nam, tương đương quân đoàn) thành lập vào tháng 2-1975. Quân dân ta cũng xây dựng được hệ thống mạng lưới đường sá, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, hệ thống thông tin liên lạc nối từ Bắc vào Nam.

Để thử phản ứng của Mỹ, quân ta đã mở một cuộc trinh sát chiến lược, thực hiện chiến dịch giải phóng Phước Long. Đến ngày 6-1-1975, sau khi giải phóng thị xã Phước Long, phía Mỹ cũng chỉ phản ứng chiếu lệ. Điều này chứng minh Mỹ sẽ không đưa quân quay trở lại Việt Nam.

Tạo thời cơ chiến lược

Thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược vì Tây Nguyên là địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược, nếu ta giải phóng được sẽ làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam. Từ ngày 4-3-1975, bằng một loạt các biện pháp nghi binh công phu, quân ta đã thu hút và giam chân khối chủ lực cơ động của địch ở Bắc Tây Nguyên, dẫn đến sơ hở ở Nam Tây Nguyên. Đến đêm 9-3-1975, quân ta tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột (ở Nam Tây Nguyên) với sức mạnh áp đảo địch. Đến trưa ngày 11-3-1975, ta đã giải phóng được thị xã Buôn Ma Thuột (nay là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Với những thất bại nhanh chóng và nặng nề liên tiếp sau đó, ngụy quyền Sài Gòn buộc phải ra lệnh rút bỏ Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, quân ta đã đập tan ý định bỏ Tây Nguyên về co cụm ở đồng bằng của địch. Đến ngày 24-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn và lực lượng Quân đội ta từ Tây Nguyên nhanh chóng phát triển xuống các tỉnh ven biển miền Trung. Những thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

Tại Hà Nội, vào tháng 4-1975, các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh và đưa ra những chỉ đạo chiến lược để quân và dân ta làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Trong lúc đó, từ ngày 6-3-1975, quân ta bắt đầu tiến công ở Trị Thiên và Khu 5. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Ngày 26-3-1975, Huế được giải phóng. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng. Đến ngày 3-4-1975, toàn bộ các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung được giải phóng.

Ngày 4-4-1975, Quân ủy Trung ương giao cho Khu 5 và lực lượng Hải quân tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; từ ngày 14 đến ngày 29-4-1975, toàn bộ các đảo được giải phóng.

Sau Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có đủ điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”1. Do đó, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch quyết chiến chiến lược với hình thức tiến công hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Ngày 21-4-1975, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức để cao chạy xa bay. Trong một bài nói chuyện tại Trường Đại học Tunale vào ngày 23-4-1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã nêu rõ: “Cuộc chiến tranh đã kết thúc đối với người Mỹ”.

Ngày 26-4-1975, quân ta bắt đầu mở Chiến dịch Hồ Chí Minh với lực lượng áp đảo, gấp 3 lần lực lượng quân đội ngụy tại Sài Gòn. Tham gia chiến dịch có 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Binh đoàn cánh Tây Nam cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Về binh khí, kỹ thuật, quân ta đã tập trung được 516 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa và pháo phòng không, 1 đại đội máy bay A37, 320 xe tăng, xe thiết giáp, 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, 60.000 tấn vật chất (15.000 tấn đạn)... Vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương Văn Minh buộc phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Từ đây, Sài Gòn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976) đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Nguyễn Văn Toàn

1. Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr. 178.

Bình luận

ZALO