Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:59 GMT+7

Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới

Biên phòng - Sau khi Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (Nghị quyết số 33-NQ/TW), Đảng ủy BĐBP Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị sát với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn.

2yzv_10a
Đại tá Trịnh Hữu Tăng.

- Năm 2019, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Kế hoạch số 808-KH/ĐU nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc và xây dựng BĐBP chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

- Chúng ta cần thấy rõ, Nghị quyết số 33-NQ/TW là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tập trung nguồn lực của toàn xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia trong thời kỳ mới; xây dựng BĐBP trở thành lực lượng chuyên trách, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu thực tế đang đặt ra. 

Kế hoạch số 808-KH/ĐU, ngày 11-6-2019 của Đảng ủy BĐBP là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị vào thực tiễn, quán triệt quan điểm của Đảng, đó là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống"; xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, đầu tư về trang bị, phương tiện hiện đại, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả.

- Cùng với việc quán triệt, thực hiện Kế hoạch số 808-KH/ĐU của Đảng ủy BĐBP, BĐBP Lạng Sơn đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ra các chủ trương, giải pháp gì, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn?

- Sau khi Nghị quyết số 33-NQ/TW được ban hành, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, nắm chắc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế trên tuyến biên giới của tỉnh, đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 119-CTr/TU, ngày 17-4-2019; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 131/KH-UBND, ngày 24-6-2019, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW. Phải nói rằng, Lạng Sơn là địa phương sớm ban hành văn bản để quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị; trong Chương trình hành động và Kế hoạch của tỉnh, đã có bước cụ thể hóa rất sát vào thực tế địa bàn và nhiệm vụ của địa phương, đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát thực, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. 

Đối với BĐBP tỉnh, sau khi tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch để thực hiện, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 1878-KH/ĐU, ngày 16-7-2019 để cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tình hình trên biên giới, trong địa bàn khu vực biên giới. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TU, ngày 17-10-2016 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 269/KH-UBND, ngày 19-12-2016 của UBND tỉnh về xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, giai đoạn 2016-2020; thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, bằng việc triển khai, thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân”, tạo ra phong trào toàn dân rộng khắp để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

- Quan điểm về xây dựng lực lượng chuyên trách để quản lý, bảo vệ biên giới theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, sẽ được BĐBP Lạng Sơn cụ thể hóa như thế nào, thưa đồng chí?

- Trước tiên, chúng tôi tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Cùng với đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới, đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của người chỉ huy từ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đến cơ sở, mà trực tiếp là các đồn Biên phòng; tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Thực hiện nhất quán và hiệu quả chủ trương của Đảng ủy BĐBP tỉnh về xây dựng tổ chức, gắn với xây dựng con người bằng việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả mô hình "Cơ quan, đơn vị 5 an toàn", mẫu hình quân nhân "5 nhanh, 5 chắc" - Đây là một mô hình, mà sau Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ (2015-2018), đã được Đảng ủy BĐBP Lạng Sơn xác định tiếp tục phát huy trong giai đoạn 2020-2025. Chúng tôi quan niệm: “Muốn tổ chức mạnh, phải có con người tốt”.

d7rf_10b
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Nghi, BĐBP Lạng Sơn giúp nhân dân thu hoạch mùa màng. Ảnh: Vy Thượng

Cùng với xây dựng đơn vị, BĐBP Lạng Sơn sẽ chủ động, tích cực tham mưu và tham gia có hiệu quả vào xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở khu vực biên giới vững mạnh, trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh, với Huyện ủy các huyện biên giới, giữa Đảng ủy các đồn Biên phòng, với Đảng ủy các xã, thị trấn biên giới; triển khai việc phân công đảng viên đồn Biên phòng tham gia các buổi sinh hoạt của chi bộ các thôn, theo chủ trương của Tỉnh ủy Lạng Sơn và phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới, theo chủ trương của Đảng ủy BĐBP, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

BĐBP Lạng Sơn cũng thực hiện có hiệu quả mô hình "Công trình dân sinh thắm tình đồn xã", phong trào thi đua "BĐBP tỉnh Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới"; Chương trình "Áo ấm mùa đông biên giới"; "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", "Nâng bước em tới trường", "Con nuôi đồn Biên phòng", thiết thực giúp đỡ và góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc biên giới. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác an ninh, trật tự địa bàn bằng việc thực hiện có hiệu quả mô hình "Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm", phát huy sức mạnh toàn dân để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, thực sự trở thành "phên giậu" vững chắc.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Mai Anh (thực hiện)

Bình luận

ZALO