Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân

Biên phòng - Đọc “Tuyên ngôn Độc lập” vào ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).

Các đơn vị Giải phóng quân tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh (15-8-1945), tướng Yokoyama Masayuki nhận được chỉ thị từ Tokyo, Nhật Bản phải giữ ngôi cho vua Bảo Đại. Tuy nhiên, ngày 23-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, chính quyền ở Huế đã về tay nhân dân. Trước sức mạnh của quần chúng cách mạng, vua Bảo Đại chấp nhận thoái vị và giải tán nội các Trần Trọng Kim.

Chiều 30-8-1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành Huế. Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về ngoại thành Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam. Chiều 26-8-1945, Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội. Người quyết định cần khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời vào ngày 2-9-1945.

Từ sáng sớm ngày 2-9-1945, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc tập hợp về Quảng trường Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. Ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa Quảng trường Ba Đình. Các đội tự vệ vũ trang cùng các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Cùng với đó là 50 vạn nhân dân đang hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới. Đúng 14 giờ, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc “Tuyên ngôn Độc lập” tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về việc chế độ phong kiến ở Việt Nam đã chấm dứt và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quản lý đất nước, xã hội bằng nhà nước pháp quyền và Người luôn quan tâm đến việc xây dựng một nhà nước vì dân. Do đó, dưới sự định hướng của Người, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một nhà nước pháp quyền vì dân.

Một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ” (1). Do đó, ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã 2 lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo hiến pháp (năm 1946 và năm 1959), ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.

Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” đăng trên Báo “Cứu quốc” số 46 ra ngày 19-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa ngày 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ, người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa”. Do đó, theo Người: “Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” (2).

Trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (ngày 17-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”.

Nhiệm vụ của chế độ dân chủ và Đảng lãnh đạo theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng CNXH. Về bản chất tốt đẹp của chế độ CNXH, Người chỉ rõ: “CNXH là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH” (3).

Cơ sở đảm bảo nền dân chủ ở Việt Nam là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Hiển nhiên, một Đảng cầm quyền đại diện cho giai cấp công nhân, giai cấp có sự tranh đấu quyền lợi phù hợp với toàn dân và một Nhà nước pháp quyền vì dân là hai phương tiện để đảm bảo vững chắc nền dân chủ cho người dân. Bên cạnh đó, việc phát huy dân chủ được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng để khơi dậy sức mạnh toàn dân đoàn kết một lòng cùng hướng về mục tiêu khát vọng hùng cường của dân tộc, sự thịnh vượng của nhân dân.

Nguyễn Văn Toàn

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.8.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.22.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.438.

Bình luận

ZALO