Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế

Biên phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định hướng phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới là “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”. Đây vừa là mục tiêu, vừa là kim chỉ nam để ngành nông nghiệp thực hiện đột phá, đổi mới mạnh mẽ mô hình sản xuất, tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế thành công.

mbza_13a
Qua nhiều quy trình kiểm tra khắt khe, quả vải thiều đã được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Sơn Hà

Thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục

Một tín hiệu đáng mừng là trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh, thiên tai; thị trường nông sản không ổn định, giá cả sụt giảm... năm 2019, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Kết quả đó là do ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên?Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  cho biết: Ước tính, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 2,2% (trong đó, thủy sản tăng 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%). Mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2019 đạt hơn 41 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều). Đây là điểm sáng nhất của ngành trong năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp đến năm 2025, phải đạt mức tăng trưởng trung bình từ 3-3,5%; nâng số lượng mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên từ 10 lên 15 nhóm mặt hàng với tổng giá trị xuất khẩu là 50 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và đứng top 10 của thế giới. Số lượng doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp phấn đấu tăng gấp đôi lên 25.000. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp tăng lên 35.000 hợp tác xã nông nghiệp, gấp 2,3 lần hiện nay để làm nòng cốt phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 

Ngành nông nghiệp cũng tích cực xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng... Nhờ vậy, đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Saudi Arabia. 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, thông qua đàm phán đã có thêm các loại quả tươi có giá trị cao được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc); xuất khẩu mật ong đi EU, Mỹ. Việt Nam đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10-2019. Bộ Nông lâm ngư nghiệp của Nhật Bản cũng đã cấp phép cho Việt Nam được xuất khẩu vải thiều tươi vào thị trường khó tính này từ ngày 15-12-2019. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2019 tăng 8,0%, vượt kế hoạch đề ra (6,0%).

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, ngành lúa gạo đã chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Năm 2019, diện tích canh tác nông nghiệp được chứng nhận VietGAP là 39,3 nghìn ha.

Xây dựng chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm được xác định là một trong những giải pháp khắc phục tính manh mún, đồng thời nâng cao giá trị nông sản, dễ tiếp cận thị trường. Chính vì thế, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất. Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018); 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm). Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, doanh nghiệp tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long; chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để thu hút các tổ ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

w8a9_13b
Nông dân huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TTH

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong giai đoạn tới, định hướng tổng thể phát triển ngành là: Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

 Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO