Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 06:59 GMT+7

Xây dựng một nền biên phòng toàn diện

Biên phòng - Đó là ý kiến của Tiến sĩ luật học Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa khi trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng xung quanh dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.   

Tiến sĩ Lê Xuân Thân. Ảnh: Hải Luận

- Thưa ông, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận dự thảo Luật BPVN, các đại biểu tập trung bàn luận vấn đề nào nhiều nhất?

- Về dự thảo Luật BPVN, tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu thảo luận ở tổ, cũng như ở hội trường, tập trung về phạm vi điều chỉnh của luật. Phải nói rằng, phạm vi điều chỉnh giao thoa và gần với các luật đã được Quốc hội ban hành trước, như Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Luật Cảnh sát Biển Việt Nam..., tập trung vào lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới lãnh thổ. Suốt thời gian dài, lực lượng BĐBP đã có Pháp lệnh BĐBP, phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung những nội dung xây dựng lực lượng BĐBP và nhiệm vụ công tác biên phòng. Với dự thảo Luật BPVN, phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều. Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội tập trung chuyên môn phân tích, làm rõ các vấn đề của dự thảo luật. Từ những ý kiến của đại biểu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý phù hợp, với một bản dự thảo Luật BPVN mới nhất vào ngày 6-9-2020, đã gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, để Kỳ họp thứ 10 tới đây sẽ xem xét thông qua.

- Ông có nhiều năm giữ chức vụ Chánh án tòa án tỉnh, lãnh đạo địa phương. Theo ông, dự thảo Luật BPVN đã quy định chặt chẽ và sát với thực tiễn chưa?

- Lần đầu dự thảo Luật BPVN đưa ra điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Dự thảo Luật BPVN bám rất sát vào thực tiễn, được quy định từng chương, từng điều về hoạt động biên phòng, quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia, trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương... Phải nói rằng, dự thảo Luật BPVN xây dựng theo hướng huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia xây dựng một nền biên phòng Việt Nam toàn diện.

- Biên giới lãnh thổ là vấn đề hệ trọng của quốc gia, theo ông, dự thảo Luật BPVN cần quy định cụ thể về công tác đối ngoại biên phòng với các nước láng giềng như thế nào?

- Tại Điều 11, dự thảo Luật BPVN quy định hợp tác quốc tế về biên phòng khá đầy đủ. Hợp tác quốc tế về biên phòng là vấn đề rất rộng. Qua thực tiễn cho thấy, biên phòng gắn với biên giới lãnh thổ. Hợp tác quốc tế về biên giới, biên phòng được thực hiện cả ở cấp Chính phủ, cấp bộ, chính quyền các địa phương có chung đường biên giới với các nước, cấp biên phòng tỉnh, đồn Biên phòng. Các tổ, đội công tác Biên phòng hoạt động hằng ngày ở biên giới với các đơn vị nước bạn cùng chung đường biên giới, đó cũng được coi là hợp tác quốc tế. Do vậy, dự thảo Luật BPVN có tính khái quát thực tiễn rất cao thành các điều, khoản điều chỉnh cụ thể.

- Tại khoản 2, Điều 30, dự thảo Luật BPVN quy định: “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy chưa chặt chẽ. Nhìn về góc độ luật pháp và thực tiễn, ông đánh giá như thế nào về quy định này?

- Khoản 2, Điều 30, dự thảo Luật BPVN như nêu ở trên, để cho chặt chẽ và sát với thực tiễn hơn. Việc “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp” đã được quy định trong Luật Biên giới quốc gia: “Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia”. Vì vậy, Bộ Quốc phòng “chủ trì, phối hợp” là hợp lý, nó cũng phù hợp với các thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề phối hợp như trong dự thảo luật hiện nay còn quy định ở nhiều điều khác. Đề nghị cần rà soát lược bỏ để tránh trùng lắp trong các điều.

- Khánh Hòa giống như một “Việt Nam thu nhỏ” có quần đảo Trường Sa, bờ biển dài trên 150km, có cảng biển đón tàu quốc tế, cảng quân sự, trung tâm du lịch biển của quốc gia... Trong dự thảo Luật BPVN cần quy định nhiệm vụ của BĐBP quản lý biên giới biển như thế nào?

- Biên giới của nước ta bao gồm biên giới đất liền, vùng biển. BĐBP quản lý cửa khẩu cảng biển, cửa khẩu đường bộ. Những vấn đề liên quan đến vùng biển, đảo đã được quy định rõ trong Luật Biên giới quốc gia, nên không cần đưa vào điều chỉnh cụ thể nhiệm vụ biên phòng vùng biển tại Luật BPVN.

Cán bộ BĐBP làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, tỉnh An Giang. Ảnh: Hải Luận

- Ông có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo Luật BPVN bổ sung, chỉnh sửa vấn đề nào cho phù hợp thực tiễn, để trình Quốc hội thông qua Kỳ họp thứ 10?

- Tại điểm b, Điều 10 và khoản 2, 4, Điều 30 có trùng nhau về câu chữ, cần lược bỏ. Tại điểm d, Điều 10, điểm d, dự thảo Luật BPVN viết: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”. Trường hợp có 2-3 cơ quan cùng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thì sao? Luật không nên quy định quá “cứng” như dự thảo. Chỗ này cần có quy định ở thông tư hoặc quy chế phối hợp giữa các cơ quan, để có thể áp dụng linh hoạt và sát với thực tiễn ở biên giới hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hải Luận (thực hiện)

Bình luận

ZALO