Biên phòng - Xây dựng môi trường văn hóa là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng BĐBP An Giang vững mạnh về chính trị, góp phần bồi dưỡng nhân cách quân nhân, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tạo động lực tinh thần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị
Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: Ngày 12/5/1992, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ban hành Chỉ thị 143 về thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội”. Quán triệt chỉ thị này, từ năm 1992 đến nay, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy ước ứng xử văn hóa trong đơn vị, phát động Cuộc vận động “Cán bộ, chiến sĩ không hút thuốc lá, không uống rượu bia trong giờ làm việc”; phát động phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”…
Qua các hoạt động thực tiễn đã giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, lành mạnh; tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm; ứng xử có văn hóa, đoàn kết tốt nội bộ, đoàn kết quân dân. Từ đó, tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật của toàn đơn vị có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ vi phạm kỷ luật hàng năm ngày càng giảm.
Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang luôn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị quân đội” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên khu vực biên giới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đồn Biên phòng, Tiểu đoàn đạt chuẩn cơ quan văn hóa hàng năm theo quy định của địa phương; đồng thời, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tham gia xây dựng xã văn hóa, khóm, ấp văn hóa; xây dựng đồn Biên phòng gắn với khóm, ấp biên giới trở thành điểm sáng văn hóa trên biên giới. Trên địa bàn biên phòng có 40.111 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 60 khóm, ấp đạt “Khóm, ấp văn hóa”; 48 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa trên biên giới”, gắn với 11 đồn Biên phòng; 14/14 cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP đạt chuẩn văn hóa.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị cơ sở cũng được duy trì với nhiều loại sách báo, văn bản phong phú, đa dạng, phục vụ có hiệu quả công tác tìm hiểu, tra cứu pháp luật, nâng cao hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều lĩnh vực khác. Đơn vị đã mua sắm, tiếp nhận, cấp phát các thiết chế văn hóa cần thiết, kịp thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho bộ đội. Đến nay, cơ quan Bộ Chỉ huy có 1 phòng truyền thống, 1 thư viện (với hơn 4.000 đầu sách các loại, hàng năm luân chuyển 1.500 quyển sách từ Thư viện tỉnh An Giang). Các đơn vị cơ sở đều có Phòng Hồ Chí Minh, tủ sách pháp luật với đầy đủ các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ.
Là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng trong BĐBP An Giang, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình không chỉ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mà còn tiên phong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội”, với phương châm “Đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp tình quân dân”.
Thượng tá Đặng Văn Khính, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết: “Hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí trong ngày nghỉ, giờ nghỉ được đơn vị tổ chức thường xuyên. Các hoạt động đó nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở đơn vị. Qua đó, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Xây dựng môi trường văn hóa ở khu vực biên giới
Cùng với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa trong đơn vị, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang cũng tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh-Truyền hình An Giang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. Trong đó, đơn vị đã trực tiếp phối hợp tổ chức 4 kỳ Liên hoan “Tiếng hát từ biên giới”; giao các đồn Biên phòng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố biên giới tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, thông tin cổ động, triển lãm du lịch như: Ngày hội văn hóa, thể thao truyền thống và Lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên; lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi nhân dịp lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer; Lễ hội quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam... thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và người dân tham gia.
Đồng thời, các đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp với ngành văn hóa cấp huyện, xã tổ chức hơn 1.460 buổi giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử… tại các khóm (ấp) văn hóa, “Điểm sáng văn hóa trên biên giới”; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân trên khu vực biên giới. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 153 lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, với tổng số 2.600 học sinh; vận động 1.832 học sinh bỏ học trở lại trường lớp...
Ông Nguyễn Hữu Đô, nông dân ở ấp Phú Cường, xã An Nông, huyện Tịnh Biên cho biết: “Các chú BĐBP luôn gần gũi, giúp đỡ bà con các thôn, ấp biên giới xây dựng xã văn hóa, khóm, ấp văn hóa. Đồng thời, các chú cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân biên giới”.
Chiến Khu