Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 05/12/2023 06:14 GMT+7

Xây dựng mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

Biên phòng - Các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã được hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp canh tác nông nghiệp thân thiện với khí hậu, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt, tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.

Mô hình trồng lúa theo kỹ thuật SRI tốn ít công, ít giống, lại cho năng suất cao hơn đã được nhân rộng ra một số địa phương. Ảnh: Bích Ngọc

Từ năm 2019-2022, nông dân 6 thôn, bản, thuộc 6 huyện của 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La đã tham gia dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với BĐKH Tây Bắc Việt Nam” (gọi tắt là dự án VOF), thông qua thực hiện mô hình Làng nông nghiệp ứng phó BĐKH và thích ứng BĐKH. Thông qua hoạt động dự án, người dân được quan sát và thực hành trên những mô hình canh tác có đủ quy mô ứng phó với BĐKH ngay tại thôn bản; hỗ trợ tiếp cận thị trường...

Tạo dựng sinh kế ổn định

Tại bản Nà Cà, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, người dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời, được hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học bảo vệ chè, phân vi sinh cải tạo đất. Người dân đã chuyển đổi diện tích trồng ngô không hiệu quả sang trồng chè. Còn người dân tại xã Bản Lang, huyện Phong Thổ được tập huấn sản xuất lúa theo phương pháp SRI. Đến cuối năm 2021, các kỹ thuật và phương pháp nông nghiệp thân thiện với khí hậu được đa số nông dân ở các bản vùng dự án áp dụng vào thực tiễn sản xuất, 70% số hộ tham gia tăng thu nhập ít nhất 40% từ việc bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Với người dân tại bản Hợp 1, xã Bản Lang, lúa nếp tan là loại cây có nhiều tiềm năng về thị trường do đây là đặc sản nông nghiệp của vùng Phong Thổ. Song, phương pháp canh tác truyền thống tại đây chưa thực sự tối ưu, lại phải chịu ảnh hưởng từ các hiện tượng khí hậu cực đoan và cũng đồng thời gây ra phát thải khí nhà kính. Chỉ sau hơn một năm học tập để chuyển đổi sang kỹ thuật SRI, từ 5ha đầu tiên, các nông dân trong nhóm không chỉ thu về năng suất cao, chất lượng hạt tốt, mà còn làm giảm đáng kể các tác động tiêu cực tới môi trường.

Ông Vàng Văn Chẻo, Trưởng nhóm Nông dân ứng phó BĐKH tại bản Hợp 1 phấn khởi cho biết: “Mấy năm trước, một sào hết hẳn 5kg giống, tốn công cấy mà thu hoạch không được nhiều. Giờ chúng tôi cấy theo phương pháp mới, chỉ mất 3kg giống là được một sào (1.000m2), vừa ít mất giống, lại ít mất công. Như ruộng nhà tôi trước đây, 29-30 người cấy một ngày không xong. Ba năm nay, cấy theo phương pháp SRI, tôi chỉ cần 10 người cấy trong một buổi. Từ khi tham gia mô hình, bà con được nhiều cái lợi. Ruộng lúa phát triển, bà con đủ ăn, hàng năm không phải đói nữa, lại lợi cho cả bản vì không ô nhiễm môi trường”.

Sau khi được tập huấn, người dân đã biết cách ủ phân bón hữu cơ. Ảnh: Bích Ngọc

Ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu cho biết: “Dự án VOF đã phổ biến được kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI tại xã Bản Lang từ 30ha lên 150ha, đồng thời, xây dựng thương hiệu OCCOP 3 sao và tập huấn các tiêu chí sản xuất chè theo tiêu chuẩn châu Âu, hỗ trợ người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp ra thị trường”.

Tại tỉnh Sơn La, dự án VOF tập huấn cho nông dân kỹ thuật mô hình nông lâm kết hợp trồng xoài xen cỏ; nuôi bò thịt, bò đực giống; ủ rơm rạ làm thức ăn cho gia súc; ủ phân từ phân thải chăn nuôi và phế phẩm nông nghiệp; chuyển đổi diện tích đồi trọc, diện tích cây nông nghiệp ngắn ngày không hiệu quả trên đất dốc sang trồng vải thiều. Người dân còn được hỗ trợ mua máy phát cỏ, làm sạch cỏ, xới đất đa năng để cải tạo đất theo hướng bền vững; hỗ trợ nuôi dê, tận dụng nguồn thức ăn từ các diện tích đất lúa ngập nước 1 vụ do BĐKH gây nên.

Người dân còn được học cách tiếp cận thị trường qua nền tảng công nghệ. “Các kiến thức đã học giúp mình quảng bá sản phẩm tiện hơn và tốt hơn, nếu không mang ra chợ bán được thì có thể đăng lên Facebook để mọi người mua. Trước đây, mình chụp ảnh sản phẩm không chọn góc hay gì cả, cứ chụp bừa thôi, nhiều khi ảnh bị mờ hoặc ngược sáng. Giờ mình đã biết cách để khiến tấm ảnh sắc nét hơn, hy vọng sẽ thu hút được nhiều người mua hơn!” - chị Lò Thị Pỏm, dân tộc Thái bản Nà Cà chia sẻ.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Cùng với việc tạo mô hình sinh kế ổn định, các hoạt động của dự án VOF đã từng bước tác động làm thay đổi nhận thức của bà con về ý thức bảo vệ môi trường, về thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là đã phổ biến được phương pháp ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, tránh hiện tượng đốt rơm rạ tại đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường.

Người dân rất phấn khởi vì canh tác lúa theo phương pháp SRI cho năng suất cao hơn kiểu canh tác truyền thống. Ảnh: Bích Ngọc

Anh Khuất Hữu Dương, bản Thín (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho hay: “Ngày xưa, tôi không hiểu gì về BĐKH, về hiệu ứng nhà kính, cứ nghĩ là chỉ có thành phố mới gây tác hại thôi chứ mình thì không. Không ai biết đốt nương, bón phân, dùng thuốc trừ cỏ là ảnh hưởng đến khí hậu. Khi vào nhóm thì mọi người mới biết được là bón phân đạm, phân lân nhiều cũng tạo ra BĐKH. Bây giờ, người dân biết bón phân hợp lý rồi. Xưa, cứ phát nương là đốt, nhưng giờ bà con không đốt nữa, biết giữ lại để làm thảm thực vật”.

Trước đây, bản Phé A, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thường nhốt gia súc ngay dưới gầm sàn hoặc sát cạnh nhà. Phân trâu bò thải ra không được thu gom và xử lý triệt để, không chỉ gây ô nhiễm, mà còn là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính, làm trầm trọng hơn tình trạng BĐKH toàn cầu. Sau khi được tập huấn, người dân ở đây đã biết thu gom và ủ phân bò để bón cho cây. “Theo phong tục trước đây, chúng tôi thường là nhốt trâu bò ở dưới gầm sàn, làm ảnh hưởng không tốt tới môi trường sống. Bây giờ, có dự án hướng dẫn, tôi đã đưa chuồng trại ra xa khỏi nhà. Môi trường sống đã sạch hơn, chuồng trại thông thoáng và bò cũng phát triển hơn” - anh Quảng Văn Thảo, bản Phé A chia sẻ.

Cũng được tập huấn kỹ thuật, ông Lò Văn Bình, bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã biết phương pháp chống xói mòn đất. Ông Bình cho hay: “Ngày xưa thì xói mòn, lở đất nhiều lắm. Bà con thường dùng cuốc cày đất, nên mùa mưa, nước chảy xuống chỗ trũng, nó cuốn hết đi. Từ khi có mô hình nông lâm kết hợp thì mình làm đường băng trên đất đồi trồng xoài, nhãn để chống xói mòn. Việc chăm sóc, làm cỏ, thu hái cũng dễ dàng hơn. Xong rồi mình trồng xen cỏ vào đường băng để nuôi bò, dê, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Bò, dê ăn xong sẽ thải ra phân, mình sẽ ủ phân hữu cơ để bón cho cây ăn quả”.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO