Biên phòng - Chiều 28-5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV).

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, xây dựng lực lượng DBĐV; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và một số quy định khác liên quan đến lực lượng DBĐV. Trong khi đó, Pháp lệnh về lực lượng DBĐV chưa quy định, hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng DBĐV nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ.
Nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
“Luật được xây dựng với mục đích xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguồn quân nhân dự bị tuy nhiều nhưng phân bố không đều, tập trung nhiều ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ, các thành phố lớn. Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Nam, việc tổ chức các đơn vị DBĐV gặp khó khăn do chất lượng chuyên nghiệp quân sự của quân nhân dự bị đạt thấp. Sỹ quan dự bị thiếu so với yêu cầu do đầu vào hạn chế, số giải ngạch nhiều hơn số đăng ký vào ngạch... Thực tiễn đòi hỏi, huy động lực lượng DBĐV tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả do thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Pháp lệnh.
Đối với chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị quy định trong Pháp lệnh không phù hợp với thực tế mặt bằng thu nhập chung của xã hội, chưa bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng được hưởng trong cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện và chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
“Nhằm chủ động ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi và đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh nâng thành Luật lực lượng DBĐV, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và cao hơn, nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh thêm.
Viết Hà