Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là yêu cầu hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay

Biên phòng - Ngày 25-10-2019 vừa qua, Bộ Quốc phòng tổ chức tọa đàm, hội thảo góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, với sự tham dự của trên 100 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phía Nam.

fnql_8a
Đồng chí Phạm Văn Tân phát biểu tại buổi tọa đàm, hội thảo góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Đăng Bảy

Tại cuộc tọa đàm, hội thảo này, đồng chí Phạm Văn Tân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã có bài tham luận, trong đó chỉ rõ sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để nâng cao hiệu quả xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Báo Biên phòng trích đăng ý kiến tham luận tâm huyết này.

Thấm nhuần tư tưởng dựng nước và giữ nước của các thế hệ của ông cha ta, của Đảng, của Bác Hồ; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ luôn đặt công tác Biên phòng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia lên hàng đầu. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.

Cùng với BĐBP các tỉnh, thành phố trên cả nước, BĐBP Tây Ninh luôn phát huy vai trò nòng cốt trong việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, luôn xứng đáng với lòng tin của Đảng, chính quyền các cấp và là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc trên biên giới. Qua theo dõi những bước trưởng thành vững chắc của BĐBP Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh nhận thấy, việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP từ trước đến nay được quy định trong nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là thống nhất và phù hợp với các điều ước quốc tế về biên giới.

Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP được thể hiện trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới và Pháp lệnh BĐBP ban hành từ năm 1997 nên về hình thức, nội dung không phù hợp so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong đó, nhiều nội dung, một số thuật ngữ trong Pháp lệnh BĐBP không còn phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; một số quy định về quyền hạn (thẩm quyền) của BĐBP quy định tại Pháp lệnh đã được bổ sung trong Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức điều tra hình sự năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật khác...

Một số quy định, nhiệm vụ, quyền hạn trong Nghị quyết, Pháp lệnh chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tạo ra hành lang pháp lý để BĐBP thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của BĐBP. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của BĐBP có lúc, có nơi còn hạn chế. Tổ chức biên chế của BĐBP chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Kinh phí, trang bị, phương tiện đảm bảo cho BĐBP còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Sự ổn định của biên giới đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, là điều kiện và môi trường thuận lợi cho hội nhập và phát triển đất nước. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết và là đòi hỏi tất yếu, khách quan hiện nay.

Để đảm bảo thực thi nhiệm vụ Biên phòng, xây dựng lực lượng BĐBP "chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại", cần tập trung xây dựng một số ngành nghiệp vụ (trinh sát kỹ thuật, đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, cửa khẩu...) tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa.

UBND tỉnh Tây Ninh cơ bản nhất trí như dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và có thêm một số kiến nghị như sau:

Tại Điều 9 về Quyền hạn của BĐBP, đề nghị Cơ quan Thường trực nghiên cứu các Luật khác liên quan, để tránh sự chồng chéo trong thực thi nhiệm vụ Biên phòng ở khu vực biên giới và bổ sung thêm quyền hạn của BĐBP để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tại Điều 17 về phối hợp thực thi hoạt động Biên phòng, dự thảo đưa ra: Phạm vi phối hợp, nguyên tắc phối hợp và nội dung phối hợp. Đề nghị bổ sung thêm hình thức phối hợp để cho các lực lượng liên quan dễ triển khai thực hiện các công việc. Về nhiệm vụ, nên nghiên cứu, bổ sung thêm nhiệm vụ bảo vệ biên giới vùng trời và không gian mạng. Bởi đây là những vấn đề phức tạp mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá. Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của BĐBP, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng một số nội dung sau: 

Đối với tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, cần sớm trao đổi với phía Campuchia điều chỉnh, bổ sung xây dựng mới Hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước để thay thế Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983. Vì Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983 có nhiều nội dung không còn phù hợp thực tiễn hiện nay.

Quốc hội hai nước sớm phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý (Nghị định thư phân giới cắm mốc và Hiệp ước bổ sung 2019) mà hai bên đã ký ngày 5-10-2019, để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới tuyến Việt Nam - Campuchia; tiến tới hoàn thành toàn bộ (16% tồn đọng) công tác phân giới cắm mốc trên thực địa.

Có chỉ đạo, hướng dẫn, chính sách hợp lý, đền bù thỏa đáng cho người dân Việt Nam có diện tích đất canh tác, sản xuất trên biên giới, sau khi Nghị định thư phân giới, cắm mốc có hiệu lực. Tăng cường phối hợp với Campuchia giải quyết tốt địa vị pháp lý cho Việt kiều ổn định cuộc sống, định cư lâu dài ở Campuchia, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại các nước láng giềng, nhất là tại các tỉnh biên giới đối diện Việt Nam.

Đồng chí Phạm Văn TânPhó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh

Bình luận

ZALO