Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 11:42 GMT+7

Xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay

Biên phòng - Biên giới quốc gia (BGQG) là “phên giậu”, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, BĐBP là nòng cốt, chuyên trách, áp dụng hình thức, biện pháp để thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG, trong đó có vị trí, tầm quan trọng của hệ thống pháp luật về BGQG. Vì vậy, Luật Biên phòng Việt Nam ra đời trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

jkpm_5a
Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP phát biểu tại đợt khảo sát thực tế phục vụ xây dựng Luật biên phòng Việt Nam ở tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 2-10-2019.

Trước yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới, ngày 8-8-1995, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) có Nghị quyết số 11-NQ/TW về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, tiếp tục xác định BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, là lực lượng thành viên của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. BĐBP cần được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng cao...

Trong những năm qua, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về chính sách xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Pháp lệnh BĐBP, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự... Tuy nhiên, sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh BĐBP chưa đáp ứng yêu cầu luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm theo quy định tại Điều 14, Điều 66, Điều 67, Hiến pháp năm 2013, vì nội dung Pháp lệnh có những quy định tác động, hạn chế đến quyền con người, quyền công dân như: Quyền sống, quyền tự do, đi lại, cư trú, quyền nhân thân... Theo quy định của Hiến pháp, các nội dung này cần được quy định trong luật. Pháp lệnh ban hành từ năm 1997 nên về hình thức, bố cục không còn phù hợp so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; nội dung, một số thuật ngữ trong Pháp lệnh không còn phù hợp với các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan; nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP đang được quy định tản mạn trong các luật chuyên ngành, dẫn đến tình trạng khó theo dõi, mâu thuẫn về pháp luật, thậm chí gây khó khăn cho quá trình thực thi nhiệm vụ của BĐBP.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới, nhưng chưa được thể chế trong Pháp lệnh, chưa tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ đảm bảo cho lực lượng vũ trang làm nòng cốt, lực lượng chuyên trách (BĐBP) nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ BGQG, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vùng biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, công tác Biên phòng trong giai đoạn mới. 

Cụ thể, Thông báo số 165-TB/TW ngày 22-12-2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức BĐBP xác định: “Bảo đảm cho BĐBP thực hiện tốt ba chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, quốc phòng và đối ngoại ở khu vực biên giới; trong thời bình là quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác thân thiện với các nước láng giềng; khi có chiến tranh hoặc xung đột biên giới, thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến phòng thủ được phân công trong thế trận phòng thủ chung trên địa bàn”; “BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: “Tiếp tục xây dựng QĐND, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức chiến đấu... là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với QĐND và các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biển, đảo, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc từng địa phương trong mọi tình huống”.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: “Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển”; “Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước”.

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước” và: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”; “hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG... sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”. 

Bên cạnh đó, Luật BGQG là các quy định về xây dựng quản lý, bảo vệ biên giới, quy định lực lượng nòng cốt, chuyên trách; trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG cho các chủ thể nhưng mới dừng lại các quy định khung, định hướng, chưa quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn chồng chéo. Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đã ký kết các Điều ước quốc tế về quy chế quản lý biên giới - cửa khẩu với Trung Quốc, Lào; trong đó Việt Nam đã ký với Campuchia các văn kiện pháp lý ghi nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc để tăng cường quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới bằng pháp luật. Cùng với đó là các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Nhà nước ta về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, xóa đói, giảm nghèo đang phân tán ở nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nên thực hiện hiệu quả...

Để khắc phục những bất cập trên, việc xây dựng ban hành Luật Biên phòng để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan đến xây dựng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG và các điều ước quốc tế về biên giới, quản lý cửa khẩu mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển, kiểm soát xuất nhập cảnh. Khắc phục những vướng mắc, bất cập, kế thừa những quy định của Pháp lệnh BĐBP còn giá trị như vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và tổ chức của BĐBP; đồng thời, phát triển, bổ sung các quy định mới về Biên phòng, chủ thể tham gia nhiệm vụ Biên phòng...

Như vậy, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam hiện nay là yêu cầu cần thiết, phù hợp với thực tiễn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền; quản lý, bảo vệ BGQG bằng pháp luật.

Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP

Bình luận

ZALO