Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Xây dựng, lan tỏa “sức mạnh mềm” của quốc gia

Biên phòng - Thương hiệu quốc gia (THQG) có thể coi là “sức mạnh mềm” của quốc gia, đó có thể là hình ảnh, thông điệp về giá trị cốt lõi của một quốc gia, tổng hợp nhiều nhân tố - từ lịch sử, văn hóa, con người đến kinh tế, chính trị, doanh nghiệp, sản phẩm - làm nên sự đặc thù, khác biệt của một đất nước, một dân tộc. Theo nghĩa rộng, đó là niềm tự hào quá khứ, uy tín hiện tại và hứa hẹn tương lai của một quốc gia, được công chúng trong và ngoài nước nhìn nhận. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động để xây dựng THQG Việt Nam lan tỏa, để lại dấu ấn tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

yxl6_3a
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ  các doanh nghiệp đạt danh hiệu quốc gia năm 2018. Ảnh: Phương Nguyễn

Giá trị thương hiệu quốc gia không ngừng cải thiện

Theo thông tin mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá THQG có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới), trong bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2019, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Trong 3 năm qua, thứ hạng của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Chương trình THQG Việt Nam (Vietnam Value).

Cùng với sự phát triển của THQG Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể. Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó, trên 50% doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG như: Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist... 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Phát triển năng lực xúc tiến  thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, để có được kết quả ấn tượng trên có sự góp phần đáng kể của Chương trình THQG Việt Nam. Trong hơn 16 năm qua, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu. Được biết, số lượng doanh nghiệp được công nhận có sản phẩm đạt THQG tăng đều qua các thời kỳ: Năm 2008 có 30 doanh nghiệp; năm 2010 có 43 doanh nghiệp; năm 2012 có 54 doanh nghiệp; năm 2014 có 63 doanh nghiệp; năm 2016 có 88 doanh nghiệp và năm 2018 đã có 97 doanh nghiệp được công nhận.

Xây dựng thương hiệu với những mục tiêu cụ thể

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng vấn đề xây dựng THQG Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định về cơ chế, chính sách, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, nguồn lực, nhận thức về ý nghĩa và vai trò của thương hiệu.

Để giải quyết dứt điểm những hạn chế nêu trên, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan tham mưu cho Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định pháp lý hỗ trợ hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, ngày 8-10-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam và Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến 2030. Đồng thời, ngày 22-11-2019, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 30/2019/TT-BCT quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 8-1-2020).

Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến 2030 có mục tiêu tổng quát là xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong giai đoạn 2020-2030, chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển THQG Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội với các mục tiêu cụ thể như: Thực hiện có hiệu quả chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; phấn đấu có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam.

Bên cạnh đó, chương trình hướng đến mục tiêu mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Ông Hoàng Minh Chiến chia sẻ thêm, Chương trình THQG Việt Nam trong giai đoạn mới đã có một cơ chế thống nhất từ Trung ương đến địa phương giữa các bộ, ngành trong việc tổ chức, xây dựng, quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam. Chương trình đã có sự phân tầng, định hướng rõ nhóm đối tượng hưởng lợi của chương trình và nhóm nội dung hỗ trợ tương ứng. Đồng thời, nội dung của chương trình sẽ có sự gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá, văn hóa, du lịch, từ đó, xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút các nhà nhập khẩu, du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng ở trong và ngoài nước. 

Bình Minh

Bình luận

ZALO