Biên phòng - Hiện nay, việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị văn hóa đã góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng lực của quốc gia. Có nhiều cách hiểu về văn hóa, nhưng theo định nghĩa tổng quát nhất của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO): “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó, từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”.

Sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập, đất nước ta đã nhanh chóng hòa vào dòng chảy chung của văn hóa - văn minh nhân loại. Các loại hình văn hóa Việt Nam ngày càng gần với các chuẩn mực quốc tế và hơn hết, những giá trị văn hóa được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn dắt sự phát triển của đất nước.
Hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Đây là những giá trị cơ bản, cốt lõi, đã tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thẫm đẫm tính nhân văn, nền văn hóa truyền thống nhưng hiện đại, kết tinh những giá trị của khoa học... Bốn thành tố cơ bản trên đã bám sát điều kiện thực tiễn của Việt Nam ta, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.
Đánh giá về mối quan hệ của các hệ giá trị, các chuyên gia khẳng định, hệ giá trị quốc gia là sự tích hợp các giá trị văn hóa, gia đình và con người, các yếu tố trên tạo thành hệ giá trị mang tính chất nền tảng cơ sở. Hệ giá trị văn hóa là tổng hòa các giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc, là bộ phận nòng cốt trong giá trị quốc gia và là nhân tố bồi đắp, bồi dưỡng để phát triển văn hóa gia đình và giá trị con người.
Theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra hồi cuối tháng 11/2022 vừa qua: “Giá trị quốc gia được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu, đôi khi thấm đẫm máu và nước mắt của các dân tộc. Mặc dù có nền tảng từ truyền thống, hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại”.
Có thể hiểu rõ hơn phát biểu của nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam qua ví dụ: 18 đời Vua Hùng là biểu tượng dân tộc, giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện tâm thức “Hướng về cội nguồn”, “Uống nước nhớ nguồn”, cố kết dân tộc, tạo nên sức mạnh đảm bảo sự tồn vong của cộng đồng quốc gia dân tộc. Trong khi đó, Thánh Gióng lại là biểu tượng chứa đựng giá trị tinh thần chống giặc ngoại xâm. Còn Đức Thánh Tản Sơn Tinh là biểu tượng thể hiện giá trị tinh thần chinh phục thiên nhiên, bảo vệ và mở mang đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, ở mỗi vùng miền và từng tộc người đều hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Ví dụ như, giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số Việt Nam là những thành tố văn hóa được biểu tượng hóa qua các sinh hoạt tín ngưỡng: Lẩu Then của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận... Ngoài ra, giá trị văn hóa của đồng bào còn được thể hiện qua những phương tiện, trang phục hàng ngày như tấm khăn Piêu trong tâm thức phụ nữ Thái, chuỗi vòng cổ của người đàn ông Cơ Tu...
Tuy có sự khác biệt như vậy, nhưng giá trị văn hóa từ cách tiếp cận quốc gia, vùng miền hay tộc người đều có sự thống nhất trong đa dạng. Các giá trị của cộng đồng nhỏ luôn tôn trọng những giá trị của cộng đồng lớn. Sự thống nhất trong đa dạng các giá trị này đã tạo ra những hiệu quả lớn trong việc hình thành quốc gia - dân tộc, đồng thời, cũng tạo nên sự phong phú, hấp dẫn về văn hóa, góp phần hình thành nên tài sản văn hóa.

Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa, con người. Đến nay, quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mà cốt lõi là làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, là quá trình xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước.
Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thời gian qua, trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, thể chế văn hóa từng bước hoàn thiện. Đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước phát triển. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng, qua đó, vai trò điều tiết của văn hóa tiếp tục được phát huy. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời, thúc đẩy quá trình giao lưu văn hóa, tiếp thu tinh hoa và các giá trị tiến bộ của văn hóa nhân loại để bồi đắp và xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Hà Kim