Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 12:30 GMT+7

Xây dựng đội tàu cá thỏa sức vươn khơi, bám biển

Biên phòng - Tháng 4-2018, Phụ trương An ninh Biên giới (số 14, 5) đăng 2 bài “Uy lực” giữa Bển Đông, đã nhận được rất nhiều thông tin phản hồi của bạn đọc. Đặc biệt, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng làm nghề mành chụp nêu lên nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn và đề xuất những chương trình lớn hơn. Nghề cá nước ta cần có những chiếc tàu cỡ lớn, dài 60-80m, đủ sức vừa đánh bắt, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

a8rh_10a
Chiếc tàu sắt dài 30m làm nghề mành chụp, vào bán cá ở cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang. Ngư dân vẫn ước ao có những chiếc tàu lớn gấp đôi như thế này để thỏa sức vươn khơi ở Biển Đông. Ảnh: Hải Luận

Ông chủ, kiêm thuyền trưởng Cao Văn Thơ ở xã Phước Đồng, thành phố (TP) Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã vay tiền ngân hàng theo dự án 67 (Nghị định 67) đóng chiếc tàu mành chụp dài trên 30m, trị giá 20 tỉ đồng. Vậy mà ông vẫn ước ao có những chiếc tàu to lớn hơn. “Được biết, tới đây, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng nhiều chiếc tàu đánh cá, có chiều dài 30m, đủ sức vươn khơi xa nhiều ngày. Đến hôm nay, các tỉnh miền Trung chưa có chiếc tàu đánh cá nào dài trên 60m, đủ sức ra khơi cạnh tranh với tàu cá nước ngoài” - Ông Thơ nói.

Mong có  tàu “anh hai” dẫn đầu

Tiếp lời ông Thơ, ông Lê Văn Quyền (còn có tên là Bảy Ngọc), ở TP Nha Trang, chủ nhiều chiếc tàu mành chụp nổi tiếng ở vùng biển Nam Trung bộ phân tích:

- Nếu Nhà nước có ý định hỗ trợ đóng tàu dài 30m mà chưa định hình được làm nghề gì, thì dừng lại không nên triển khai. Nhà tui có 4 chiếc tàu mành chụp dài từ 25 - 32m, trong đó có chiếc tàu mới hạ thủy năm ngoái, công suất máy 1.100CV, trị giá 25 tỉ đồng. Tàu cỡ này tui còn chê nhỏ sau mấy tháng đi biển. Nếu áp theo dự án 67, tỉnh Khánh Hòa đã có mấy chục chiếc tàu cá dài trên dưới 30m rồi và các tỉnh miền Trung có mấy trăm chiếc tàu nữa, nhưng chưa có chiếc nào dài 40m trở lên. Làm nghề lưới cản (lưới rê), câu cá bò gù (cá ngừ đại dương), lưới vây khơi... tàu dài 18 - 30m là tuyệt vời, bởi tính chất các nghề này không cần phải tàu quá lớn, phí tổn cao. Năm 2018, các loại nghề đi khơi đang gặp khó khăn. Riêng tàu mành chụp luôn ở thế chủ động đánh bắt, nên sản lượng vẫn đạt khá.

- Theo anh, đối với biển miền Trung, nghề nào cần phát triển tàu cỡ lớn? - Tôi đặt vấn đề.

- Vùng biển miền Trung nước ta rộng, có độ sâu lớn, cần tập trung phát triển tàu làm nghề mành chụp cỡ lớn, từ  60 - 80m, công suất máy trên 2.000CV và mấy nghìn bóng điện các loại, mỗi bên cần tăng gông (cần kéo lưới sãi ra rộng) dài 50m. Mỗi lần chụp có thể đạt 20 - 40 tấn cá.

-  Ở vùng biển nước ta chưa có loại tàu đánh cá cỡ lớn như thế này, liệu nó có khả thi?

- Ngư dân Việt Nam mà “khoe” số lượng tàu thì đứng nhất bảng, nhưng không có chiếc tàu nào dài trên 40m. Tui đúc kết lại mấy từ: Tàu dài - cánh dài - đánh hiệu quả. Nhà nước mình chỉ cần tập trung đầu tư tàu lớn cho 3 tỉnh trọng điểm đã biết làm mành chụp với loại tàu 30m rồi. Ví dụ, đầu tư cho ngư dân Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, mỗi tỉnh đóng vài chiếc tàu cỡ 60 – 80m làm thí điểm.

- Đóng chiếc tàu rất dễ, vấn đề cách tổ chức sản xuất như thế nào đạt hiệu quả kinh tế cao?

- Nhà nước cần tập trung bỏ vốn ra đóng những chiếc tàu cỡ lớn, cho ngư dân thuê lại với giá hợp lý, hoặc hợp tác làm ăn hay phương án nào đó. Chúng tôi đã biết cách tổ chức sản xuất đội tàu lớn 4 - 10 chiếc tàu/gia đình rồi, bây giờ chỉ việc “nâng đời” tàu lên chứ có gì đâu. Khi những chiếc tàu mành chụp cỡ lớn ra biển giống như tàu “anh hai” dẫn đường, hàng chục chiếc tàu trung, tàu nhỏ của chúng tôi đi theo hỗ trợ lẫn nhau, theo từng cụm. “Cục” lợi ích kinh tế của ngư dân nằm ở đâu, thì ở đó được giải quyết tốt mọi vấn đề, kể cả trận địa bảo vệ biển, đảo.  

Loại tàu mành chụp cỡ lớn có chiều dài 60 – 80m đủ sức mang theo nhiều nước ngọt, dầu, nước đá... sẵn sàng cung cấp cho các tàu đi theo và chỗ dựa lẫn nhau cho nhiều nghề khác để ở lại dài ngày trên biển.

Cần tháo gỡ những vướng mắc

Nghề mành chụp khơi thường hay hoạt động ở vùng biển quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và vùng Hoàng Sa, TP Đà Nẵng. Thời gian ở lại sản xuất trên biển trên dưới 20 ngày. Trước đây, các tàu đánh cá chỉ cần vào lấy dấu xác nhận ở các đảo thuộc huyện Trường Sa hoặc nhà giàn DK1 để làm thủ tục thanh toán hỗ trợ tiền dầu.

Hiện nay, ngành thủy sản Khánh Hòa bãi bỏ dấu xác nhận ở đảo, đang áp dụng công nghệ số để xác định chuyến tàu, ngày sản xuất, vị trí tàu đánh cá đang hoạt động trên biển, để làm căn cứ hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân. Cách làm, trên tàu đánh cá đặt một máy VHF (ngư dân quen gọi máy nhắn tin), kết nối với máy chủ đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, mỗi lần ra khơi, thuyền trưởng bật máy VHF lên và bấm nút, kết nối với máy chủ xác định vị trí tàu đang đánh bắt và số ngày ở lại trên biển. Mấy tháng đầu năm 2018, đội tàu của ông Bảy Ngọc có 3 chuyến biển không nhắn tin được với máy chủ, đồng nghĩa ông không được hỗ trợ tiền dầu 3 chuyến biển. Ông Lê Văn Quyền, Thuyền trưởng tàu số KH 97279TS, làm nghề mành chụp, cho biết: “Có nhiều lúc ra ngoài biển bấm nhắn tin hoài mà không kết nối được với máy chủ. Ba cái đồ điện tử gặp mùa mưa, sóng gió lúc bắt được, lúc không”.

Theo quy định, số ngày tối thiểu tàu cá phải ở lại trên biển khai thác 15 ngày liên tục cho một chuyến đánh bắt mới được thanh toán hỗ trợ tiền dầu. Nếu như tàu nào ra biển mới 10 ngày trúng cá phải chạy vào bờ bán thì không được nhận tiền hỗ trợ.

Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, TP Nha Trang đề xuất: “Chuyến đi biển nào mà nhắn tin được 100% với máy chủ sẽ được thanh toán là quá tuyệt. Nếu gặp trục trặc gì đó, có 3-7 ngày không nhắn được tin với máy chủ, thì nên ghé vào lấy xác nhận của đảo Trường Sa hoặc nhà giàn DK1. Loại này cần phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Nhắn tin với máy chủ, sổ nhật ký khai thác, xác nhận của đảo. Biển mất mùa, nhờ có hỗ trợ tiền dầu của Chính phủ, ngư dân mới cầm cự nhiều ngày ngoài khơi xa, đói quá bà con cũng bỏ biển tìm việc khác làm ăn”. Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Trước đây, máy chủ chỉ có gắn 2 tần số, tàu cá nhiều nên có nghẽn mạng, bây giờ đặt 4 tần số, bà con dễ nhắn tin với máy chủ”.

Tôi chuyển những kiến nghị của ngư dân với ông Chánh, ông ta “chốt” luôn:

- Đây là quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên chúng tôi phải chấp hành, không phải đề nghị chỉnh sửa gì nữa.

- Thực tiễn đặt ra nhiều cái mới thì cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống? - Tôi tranh luận.

- Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu ngư dân phải nhắn tin hằng ngày, để tránh tình trạng tàu cá của ta xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác trái phép.

Hải Luận

Bình luận

ZALO