Biên phòng - Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục và trong mọi thời kỳ, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ủy Học viện Biên phòng (HVBP) đã có nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng bảo đảm về số lượng, chất lượng ngày càng cao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục - đào tạo.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, xây dựng HVBP trở thành nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khắc phục những hạn chế về xây dựng đội ngũ nhà giáo, Đảng ủy HVBP đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề “về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục – đào tạo trong tình hình hiện nay, Đảng ủy, Ban Giám đốc HVBP luôn đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung giải quyết số lượng, nâng cao chất lượng và cơ cấu đội ngũ cán bộ. Chủ động xây dựng, thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; trong quy hoạch, bổ nhiệm đã chú trọng đến chất lượng, cơ cấu và thực hiện chuẩn hóa cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm đúng mức, coi trọng việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ học vấn và luân chuyển, thực tế.
HVBP cũng chú trọng công tác giáo dục chính trị, xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, tinh thần trách nhiệm cao, chấp hành nghiêm kỷ luật; có trình độ kiến thức, năng lực sư phạm, nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ chủ trì các khoa từng bước được trẻ hóa, 100% có trình độ sau đại học, được đào tạo, bố trí sử dụng đúng cương vị và chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục-đào tạo và sự phát triển của HVBP trong tình hình mới. Tuy nhiên, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn còn những hạn chế; đặc biệt, công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo có thời điểm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ở một số khoa, bộ môn còn thiếu, chưa cân đối về cơ cấu, độ tuổi, kế cận, kế tiếp...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới, Đảng ủy HVBP đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề “về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Trong đó, Đảng ủy HVBP tập trung vào nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo về mọi mặt, chú trọng nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm, đổi mới phương pháp, tác phong công tác. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo về bậc học, phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm; bảo đảm đủ số lượng, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý; coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ, năng lực giỏi trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện. Phấn đấu bảo đảm đủ số lượng đội ngũ nhà giáo theo tổ chức biên chế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có từ 15 - 20% giảng viên dự trữ dành cho đi học, đi thực tế.
Nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ nhà giáo, trước hết là chất lượng chính trị, bảo đảm 100% cán bộ giảng dạy luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch lành mạnh, nâng cao năng lực trí tuệ, năng lực hoạt động thực tiễn; tôn vinh cán bộ có học hàm, học vị, chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học tốt, có đủ các điều kiện công tác theo quy định. Phấn đấu đến năm 2025, đội ngũ giảng viên có từ 80 - 85% đạt trình độ sau đại học, trong đó có 27- 29% tiến sĩ; giảng viên giỏi cấp cơ sở từ 85 - 90 đồng chí, giảng viên giỏi cấp bộ từ 18 - 20 đồng chí, 1 Giáo sư, 10 - 15 Phó Giáo sư, 2 - 3 Nhà giáo Ưu tú, có từ 10 - 15 giảng viên cao cấp; giảng viên ngoại ngữ 100% có trình độ sau đại học; trên 98% trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm bộ môn có học vị Tến sĩ...
Bên cạnh đó, Đảng ủy HVBP tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Xây dựng kế hoạch, tiêu chí đánh giá, phân loại để lựa chọn tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ nhà giáo; kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo với quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học. Gắn nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhà giáo với việc đi học, đi thực tế, điều động để tích lũy các điều kiện của nhà giáo. Tích cực phát hiện, tuyển chọn cán bộ các đơn vị trong BĐBP và quân đội, đề nghị điều động về HVBP công tác... Chủ động cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, ưu tiên đi học, đi thực tế để hoàn thiện các chức danh đối với khối giảng viên; tích cực cử giảng viên đi nghiên cứu thực tiễn, thực tế theo chuyên đề để cập nhật, bổ sung kiến thức, tư liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy.
Đào tạo tiến sĩ tập trung vào một số ngành cơ bản, thiết yếu như: Luật, ngoại ngữ, chú trọng chất lượng nguồn đào tạo tiến sĩ; mạnh dạn cử giảng viên trẻ tốt nghiệp loại giỏi đi học, đi thực tế cấp đồn, hoàn thiện tiêu chí đi đào tạo tiến sĩ; đề xuất tăng chỉ tiêu đào tạo, hoàn chỉnh trình độ cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ thuộc nguồn quy hoạch Ban Giám đốc. Lựa chọn những đồng chí có học vị Tiến sĩ đầu ngành bồi dưỡng, giao nhiệm vụ cụ thể tự hoàn thiện tiêu chí xét, đề nghị Nhà nước phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Tổ chức tập huấn, thi giảng viên giỏi hằng năm; thực hiện cấp trên bồi dưỡng cấp dưới thành nền nếp; đề cao ý thức tự học tập, tự rèn luyện, nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo.
Đặc biệt, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong phát hiện, lựa chọn, quản lý, nhận xét, đánh giá, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên. Thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, khoa, đơn vị. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, thực hiện tốt quy hoạch cán bộ chủ trì ở các khoa; kiên quyết miễn nhiệm, điều chuyển, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu đối với những trường hợp vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực hạn chế, uy tín, hiệu quả công tác thấp, sức khỏe yếu, ý thức tổ chức kỷ luật kém, phấn đấu cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu vươn lên. Đồng thời, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo. Tích cực, chủ động cải thiện điều kiện làm việc; có chính sách động viên, thu hút giảng viên có trình độ chuyên môn cao...
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Sinh, Chính ủy Học viện Biên phòng