Biên phòng - Năm 2020 là năm đặt dấu ấn đặc biệt khi Việt Nam đảm đương vị trí Chủ tịch ASEAN, đồng thời là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Cùng với chủ trương hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương của Đảng, Nhà nước ta, nhiều cơ hội đang mở ra cho Việt Nam để tiếp tục khẳng định vị thế trên thế giới và trong khu vực.

“Gắn kết” và “Thích ứng”
Ngay từ đầu năm 2020, Việt Nam đã chính thức thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN. Năm nay cũng là một năm quan trọng đối với ASEAN khi tiến hành kiểm điểm giữa kỳ về việc triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” năm 2020 do Việt Nam đề xuất mang ý nghĩa tăng cường sự kết nối, nâng cao sức mạnh nội tại, thúc đẩy sự phát triển của ASEAN; bên cạnh đó, củng cố liên kết khu vực trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa với mục tiêu gắn bó với người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn quan chức cao cấp Việt Nam (SOM) tại ASEAN, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 “Gắn kết và chủ động thích ứng” được lựa chọn trên cơ sở nhiệm vụ của Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan. Bên cạnh đó, trong năm 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực ASEAN để chủ động thích ứng với những diễn biến của tình hình thế giới, trong đó có sự gia tăng căng thẳng giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Thông tin tại buổi họp báo về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 cho biết, “gắn kết” và “thích ứng” là hai thành tố có tính giao thoa bổ trợ chặt chẽ. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài. Ngược lại, chủ động thích ứng hiệu quả để giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ. Đối với cộng đồng kinh tế, 3 định hướng chính do Việt Nam thúc đẩy sẽ bao gồm: Xây dựng sức mạnh nội khối ASEAN thông qua liên kết, phát huy vai trò của ASEAN trong kết nối các nước, tăng cường hiệu quả hoạt động ASEAN. Còn đối với cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN, Việt Nam sẽ chú trọng vào các vấn đề như: Phát triển nguồn nhân lực, công tác xã hội và dịch vụ xã hội cho các nhóm yếu thế; tăng cường giao lưu văn hóa, bản sắc ASEAN; tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh trong nhóm dân tộc thiểu số; thiết lập cơ chế hợp tác ASEAN đối với vấn đề tin tức giả mạo; thúc đẩy quản lý thảm họa, thiên tai và các hoạt động tình nguyện của thanh niên... Đặc biệt, Việt Nam sẽ tăng cường các diễn đàn, thảo luận về vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh cũng như lãnh đạo nữ trong Cộng đồng ASEAN.
Mục tiêu ưu tiên
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 nhấn mạnh, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên: Đoàn kết và thống nhất; lợi ích kinh tế; giá trị chung; quan hệ đối tác; năng lực thể chế. Đây có thể coi là 5 yếu tố thiết thực góp phần đưa Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết và chủ động.
Về đoàn kết và thống nhất: Qua hơn 50 năm hình thành và phát triển cho thấy sự đoàn kết và thống nhất đã đem lại những thành quả sức mạnh cho ASEAN. Vì vậy, Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước ASEAN; tăng cường việc đưa ra các lập trường chung của ASEAN trong xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; hình thành việc tuân thủ các quy tắc, quy định ứng xử chung trong quan hệ giữa các nước; ứng phó những thách thức đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Về lợi ích kinh tế: Những vấn đề thuộc mối quan tâm chung trong lợi ích kinh tế giữa các nước thành viên ASEAN như liên kết kinh tế, đầu tư, thương mại, đổi mới, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng để tận dụng từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Về giá trị chung: Năm 2020, những giá trị chung của ASEAN sẽ được Việt Nam thúc đẩy để nâng cao sức mạnh của người dân ASEAN. Từ đó, những nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong khu vực và thế giới sẽ được Việt Nam thúc đẩy đề cao thông qua những phương tiện tuyên truyền.
Về quan hệ đối tác: Trên cơ sở các cơ chế sẵn có của ASEAN tạo dựng, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh và thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước trên thế giới vì hòa bình và phát triển bền vững, mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Về năng lực thể chế: Việt Nam sẽ thúc đẩy nâng cao năng lực, tính hiệu quả của thế chế, tận dụng hơn các cơ sở vật chất đã có, ví dụ như trụ sở mới của ASEAN tại Jakarta, Indonesia.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn xác định ASEAN là một trong những mục tiêu của chính sách đối ngoại. Vì vậy, vai trò Chủ tịch ASEAN vừa là trọng trách, vừa đem lại cơ hội cho nước ta. Năm 2020, Việt Nam sẽ đưa ra những sáng kiến thiết thực để góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, kế thừa những thành tựu của Chủ tịch ASEAN trước đây, phát huy kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội...
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ngày 28-7-1995, nhưng quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam đã được khởi động từ trước đó, như tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành quan sát viên của ASEAN tháng 7-1992, tham gia một số hoạt động của ASEAN từ năm 1993. Những chủ trương lớn về chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta đã được gắn với việc tham gia ASEAN. Quá trình đổi mới đường lối, chủ trương đối ngoại của Việt Nam luôn gắn với các giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN.
Hồng Ngọc (tổng hợp)