Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 04:16 GMT+7

Xây dựng Cảnh sát Biển Việt Nam cách mạng, chính quy, hiện đại

Biên phòng - Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát Biển Việt Nam (CSBVN).

y6fxw27dtj-6672_f_jo4dgarr0_a1
Đại biểu Phạm Đình Cúc. Ảnh: Văn Hiếu

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật CSBVN. Theo đó, về vị trí, chức năng của CSBVN (Điều 3) và phạm vi hoạt động (Điều 11), Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nhấn mạnh, những quy định trên là kế thừa Pháp lệnh hiện hành; phù hợp đặc điểm, tình hình vùng biển Việt Nam, thực tiễn hoạt động đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo giai đoạn hiện nay.

“Thực tế, một số vùng biển chưa xác định đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải; một số vùng có nội thủy rộng, thường xảy ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong khi các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển còn hạn chế. Nếu phân chia phạm vi hoạt động trên từng vùng biển cho các lực lượng sẽ dễ dẫn đến bỏ trống vùng biển, bỏ sót, lọt vi phạm, tội phạm, làm hạn chế sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết.

Đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Cảnh sát Biển Việt Nam, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng tình với quy định tại Điều 3.

Đại biểu Phạm Đình Cúc cho rằng, quy định này đã kế thừa Pháp lệnh CSBVN hiện hành, đồng thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó xác định CSBVN là một trong những lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia; thống nhất với Luật An ninh quốc gia nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của CSBVN là một trong những lực lượng chủ chốt trong bảo đảm thực thi pháp luật trên biển. 

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục tập trung rà soát quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, phạm vi hoạt động của lực lượng phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, phù hợp với hệ thống pháp luật, làm rõ nhiệm vụ quyền hạn do CSBVN chủ trì, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) lưu ý đến Điều 3, Điều 4 của dự thảo luật, quy định: CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển và đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý Nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với phương châm xây dựng lực lượng CSBVN theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại.

“Điều này là hoàn toàn phù hợp, nhằm khẳng định và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, để nâng cao chất lượng của Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam”- Đại biểu nhấn mạnh.

Dẫn chứng khoản 1, Điều 47 Luật Biển Việt Nam quy định lực lượng tuần tra, kiểm soát bao gồm lực lượng có thẩm quyền của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các lực lượng tuần tra khác trên biển, đại biểu cho rằng, trong vùng nội thủy Việt Nam, có tối thiểu 2 lực lượng tuần tra, kiểm soát, chưa kể đến kiểm ngư và lực lượng BĐBP.

“Thực tế hiện nay, vùng nội thủy có nhiều lực lượng cùng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, song ngoài vùng nội thủy như vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, rất quan trọng, cần phải có lực lượng đủ mạnh được trang bị hiện đại, mới đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn và phối hợp bảo vệ an toàn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - Đại biểu Bùi Quốc Phong nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Quốc Phong đề nghị cần bổ sung quy định về phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam, bao gồm cả vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cho phù hợp, tránh sự chồng chéo trong nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát với các lực lượng khác, đồng thời cũng xác định cụ thể về phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam.

z6xt71su3f-6672_f_jo4dgasz1_a2
Đại biểu Võ Đình Tín. Ảnh: Văn Hiếu

Đối với quy định chức năng, nhiệm vụ của CSBVN (khoản 2 điều 3), đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đề nghị, chỉnh lý khoản 2, Điều 3 của dự thảo luật, theo hướng CSBVN có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật và chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế....

Viết Hà 

Bình luận

ZALO