Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Xây dựng, bồi đắp ý chí bảo vệ chủ quyền lên tầm cao mới

Biên phòng - Do điều kiện địa - chính trị cùng nhiều yếu tố đặc thù khác, từ thủa bình minh lập quốc, cha ông ta đã phải đối phó với những đội quân xâm lược hùng mạnh gấp nhiều lần. Có những giai đoạn, vua, quan và chúng dân nước Việt phải dồn hết tâm lực, vật lực vào hoạt động quân sự để giữ cho được giang sơn, bờ cõi, góp phần làm nên một dáng hình Tổ quốc hôm nay. Vậy đâu là “nguyên lý” đã giúp dân tộc ta trường tồn với lịch sử và vì sao trước những thử thách cam go, ý chí giữ nước, ý chí bảo vệ chủ quyền của người Việt vẫn tồn tại cùng nền tảng văn hóa dân tộc như sức sống bất diệt của mảnh đất thân thương hình chữ “S”. Nhân dịp đầu xuân mới, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP về những vấn đề xoay quanh câu hỏi này.

PV: Thưa Thiếu tướng, trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, xuất phát từ nhiều lý do, ông cha ta thường phải tìm “kế sách”, “phương lược” để giữ vững nền độc lập. Theo Thiếu tướng, tư duy chiến lược của những “kế sách”, “phương lược” ấy được thể hiện như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Nhìn trên bản đồ, đường biên giới quốc gia chỉ là những nét chấm phá hết sức giản đơn, nhưng để có được những đường vẽ tạo nên “hình của nước” hôm nay, các thế hệ người Việt đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, máu xương trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong tiến trình lịch sử đầy gian nan, thử thách đó, cùng với tư tưởng “Dân vi bản” (Dân là gốc) luôn được cha ông ta áp dụng thành công, là ý thức chủ động, sẵn sàng chống giặc ngoại xâm bảo vệ giang sơn bờ cõi. Đó chính là kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, tức là thực hiện nhiệm vụ “giữ nước” trong điều kiện đất nước hòa bình.

Có thể thấy, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” thể hiện một tư duy quân sự đặc biệt, là đường lối chiến lược xuyên suốt của cha ông ta từ khi dựng nước, lập quốc, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Lịch sử dân tộc còn ghi, trước lúc lâm chung, vua Trần Nhân Tông đã căn dặn quần thần: “Nên sửa sang giáo mác đề phòng việc bất ngờ”. Nhà vua cũng răn quần thần phải ra sức phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đến đời sống của dân, củng cố quốc phòng, gia tăng sức mạnh đất nước.

Còn vua Lê Thánh Tông cũng luôn nhắc nhở quan, quân: “Phàm có nhà nước tất có võ bị”, đồng thời ra chỉ dụ khuyên tướng sĩ phải biết quý trọng, gìn giữ, bảo vệ từng thước núi, tấc sông do cha ông để lại, năng luyện rèn để sẵn sàng đối phó với giặc ngoài. Đặc biệt, vua Lê Thái Tổ có tư tưởng quân sự với quan điểm “đi trước thời đại”: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an” - Biên phòng cần có phương lược tốt/ Đất nước nên lo kế lâu dài. Có thể nhận thấy, những tư tưởng này thể hiện khát vọng mãnh liệt của ông cha ta về một nền thái bình thịnh trị. Và đó cũng là chủ trương xây dựng đất nước mang tính quy luật của các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt sau những cơn binh lửa.

PV: Thưa Thiếu tướng, việc kế thừa, áp dụng những “kế sách”, “phương lược” của cha ông nhằm giữ vững quốc gia, cương thổ được thể hiện như thế nào trong chủ trương, đường lối của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia ngày nay?

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Như tôi vừa nói, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Và việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng những bài học kinh nghiệm của cha ông trong sự nghiệp xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc là vô cùng cần thiết.

Trước tình hình thế giới, khu vực có diễn biến phức tạp và khó lường, để tăng cường sức mạnh, tiềm lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, xem đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tình hình mới hiện nay cũng đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi chúng ta nhận thức và giải quyết tốt bài học “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Thấm nhuần bài học xuyên suốt của lịch sử dân tộc ta, Đảng ta đã khẳng định vị trí, vai trò của biên giới, bờ biển, hải đảo của Tổ quốc, xác định đây là địa bàn chiến lược quan trọng, nhạy cảm và phức tạp nên hết sức coi trọng và quan tâm, chăm lo xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, chăm lo lãnh đạo công tác biên phòng và xây dựng BĐBP - lực lượng nòng cốt, chuyên trách để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Tại Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI, Đảng ta khẳng định tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8, Khóa IX đã đề ra, đồng thời bổ sung, phát triển Chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình hiện nay. Đảng chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới: “Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.

Đến Đại hội XII của Đảng, quan điểm, phương châm này cũng được nhấn mạnh và nâng lên một tầm cao mới. Ngoài việc chỉ rõ cần phải “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”, Đảng ta nhấn mạnh cần phải chủ động, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, quyền tài phán của Việt Nam cũng như các hoạt động khủng bố, bạo loạn lật đổ, không để diễn biến phức tạp, kéo dài...

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng thăm và tặng quà các hộ dân nghèo, gia đình chính sách tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, Hà Giang - Ảnh: Bích Nguyên
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng thăm và tặng quà các hộ dân nghèo, gia đình chính sách tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, Hà Giang - Ảnh: Bích Nguyên

PV: Thưa Thiếu tướng, để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP cần đặc biệt chú trọng tới những vấn đề gì?

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, các triều đại phong kiến tiến bộ rất coi trọng việc ban hành các chủ trương chính sách để “an dân”, quy tụ lòng dân, lấy dân làm gốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.

Chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã quy tụ được lòng dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân trong giành và giữ vững nền độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. BĐBP phải thấm nhuần tư tưởng “Dân là gốc”, phải hiểu được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân để làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng; phải gần dân, hiểu dân, học dân và trọng dân, thực sự coi “đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Từ đó, tích cực tham mưu, đề xuất; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng - an ninh, chuyển tải đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Có như vậy mới củng cố được lòng tin của nhân dân với Đảng; mới khơi dậy được tình cảm, ý chí, trách nhiệm và sức mạnh to lớn của nhân dân, xây dựng “biên giới lòng dân” để “giữ vững từng thước núi, tấc sông” của giang sơn, bờ cõi. Đó chính là “phương lược tốt”, là “kế sách lâu dài”.

PV: Như Thiếu tướng vừa nhấn mạnh, trong công cuộc bảo vệ biên cương, bờ cõi, cha ông ta đặc biệt coi trọng tư tưởng “Dân là gốc”, theo đó, việc huy động sức mạnh nhân dân ở khu vực biên giới tham gia bảo vệ cương thổ quốc gia đã trở thành nghệ thuật. Theo Thiếu tướng, trong thời đại ngày nay, vấn đề cốt lõi của nghệ thuật đó cần được thể hiện như thế nào?

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng: Từ xa xưa, cha ông ta đã ước mơ có một biên cương vững chắc, hòa bình, ổn định. Và hôm nay, ước mơ, khát vọng đó đang trở thành hiện thực. Nước ta đã có một hệ thống đường biên, mốc quốc giới về cơ bản khá chính quy, hiện đại và chúng ta bảo vệ biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, bằng luật pháp, bằng hiệp ước, hiệp định, quy chế biên giới và các điều ước quốc tế Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ, không lúc nào được phép lãng quên những bài học, kinh nghiệm huy động mọi tiềm lực để bảo vệ quốc gia cương thổ của cha ông ta, vốn đã trở thành một di sản truyền thống, một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc - văn hóa giữ nước, văn hóa bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

Nghệ thuật huy động sức mạnh nhân dân tham gia bảo vệ cương thổ quốc gia của ông cha ta là một giá trị văn hóa giữ nước đặc sắc mà chúng ta cần phát huy lên một tầm cao mới, phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, nhất là đối với nhiệm vụ, công tác biên phòng. Xưa, cha ông ta đã cho mở các chợ biên giới, hải cảng để thông thương với nước ngoài, khuyến khích nhân dân phát triển đồn điền, khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích canh tác; cho vay vốn, giống, cấp dụng cụ, trâu bò, nhằm phát triển kinh tế. Nay, chúng ta phải thường xuyên chăm lo cuộc sống của người dân nơi biên giới.

Chúng ta cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chính sách đồng bộ nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng này một cách bền vững. Khi cuộc sống của nhân dân ổn định, mức sống được từng bước nâng cao, chuyện cơm ăn, áo mặc, học hành, đời sống chính trị, văn hóa tinh thần của người dân biên giới được giải quyết cơ bản, niềm tin của nhân dân với Đảng với Nhà nước và chế độ được củng cố vững chắc thì sức dân tham gia sự nghiệp bảo vệ biên giới ngày càng mạnh lên.

Đây chính là việc cụ thể hóa tư tưởng “Khoan thư sức dân là thượng sách giữ nước”, “Thái bình tu trí lực” (Thái bình nên gắng sức) của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải và sách lược coi trọng sức dân: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân như nước, hay đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân) của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi...

Làm được điều ấy, là chúng ta đã kế thừa, phát triển tư tưởng giữ nước của ông cha ta cũng như xây dựng, bồi đắp ý chí  bảo vệ chủ quyền Việt Nam lên tầm cao mới.

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Thái Bình (Thực hiện)

Bình luận

ZALO