Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 04:26 GMT+7

Xanh thắm Ia Nan

Biên phòng - Nói một cách hình tượng, sau ngày được chia tách thành lập từ xã Ia Pnôn cũ (tháng 10/1991), xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai mang dáng dấp của một “chàng dũng sĩ” đang… chìm trong giấc ngủ. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 90km2, nguồn lực dồi dào nhờ điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhưng do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nên phải mất gần 1/3 thế kỷ, “chàng dũng sĩ” Ia Nan mới thực sự tỉnh giấc, vươn mình lớn mạnh. Hơn 30 năm chinh phục những thử thách, Ia Nan hôm nay đã thắm xanh một dải đất biên thùy…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Nan thu hoạch rau xanh hỗ trợ bữa ăn cho học sinh bán trú trên địa bàn xã Ia Nan. Ảnh: Thái Kim Nga

Tình người trong gian khó

Rất tình cờ và may mắn khi chúng tôi gặp được ông Rơ Châm Aluynh, một nhân chứng sống của xã Ia Nan trong thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất. Ông Rơ Châm Aluynh nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn giai đoạn 1987-1995.

Trong ký ức của cựu lãnh đạo xã năm nay đã bước sang tuổi 80, con đường vượt qua đói nghèo của các chủ nhân biên giới bên dòng thác Jrai Glong thật dài và luôn đong đầy “nghĩa Đảng - lòng dân - tình quân”. Ngày đó, gần như 100% cư dân của Ia Nan đều là đồng bào dân tộc thiểu số J’rai, sinh sống trên 3 cụm dân cư chính là làng Nú, làng Tung và làng Sơn. Bà con chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng vẫn mang nặng tính du canh du cư, tự cung tự cấp. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển, giao lưu giữa vùng nội địa với biên giới còn hạn chế, thì việc người dân phải đối mặt với những “quốc nạn” như mù chữ thất học, mê tín dị đoan là điều khó tránh khỏi.

“Trình độ dân trí lúc đó còn thấp, có nhiều gia đình không một ai biết đọc, biết viết, nên công tác tuyên truyền, vận động bà con gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, thực lực chính trị ở cơ sở cũng chưa đủ mạnh để có thể cải thiện mặt bằng dân trí, làm thay đổi tư duy, giúp bà con vượt qua đói nghèo. Tuy nhiên, may mắn là chúng tôi có điểm tựa từ những người lính Biên phòng (BP) để từng bước tháo gỡ những vấn đề nan giải, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội. Mặt trận nào BĐBP cũng là người đi tiên phong, cùng với các ngành chức năng từng bước xóa bỏ vùng trắng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn biên giới theo hướng phát triển…” - Cựu Bí thư Đảng ủy xã bồi hồi nhớ lại thời điểm trước và sau ngày chia tách thành lập xã Ia Nan.

Theo chia sẻ của ông, dù là cách làm tự phát hay khi đã trở thành những phong trào lớn (chương trình phối hợp giữa BĐBP với các ngành y tế, văn hóa, giáo dục những năm đầu thập niên 1990) thì những người lính BP vẫn luôn cống hiến bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm của mình.

Đúng chất người lính Cụ Hồ, ở đâu có “giặc” (giặc đói, giặc dốt, giặc mê tín dị đoan) là ở đó bộ đội lại xắn tay áo vào cuộc. Dọc trên những con đường làng, những phòng khám quân y lưu động được hình thành, cùng với nhân viên y tế địa phương “tuyên chiến” với các loại dịch bệnh. Cùng với đó là hàng chục lớp học không giới hạn độ tuổi, giới tính được người “thầy giáo mang quân hàm xanh” đứng ra tổ chức và vô vàn những “trận đánh” lớn nhỏ nhằm thẳng vào ý thức, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, từng bước đẩy lùi mê tín dị đoan ra khỏi đất làng. “Chàng dũng sĩ” Ia Nan ngày mới xuất hiện trên bản đồ hành chính của huyện Đức Cơ (Gia Lai) bắt đầu chuyển mình từ những con số 0 như thế…

30 năm - một đích đến

Nếu ví Ia Nan như một “chàng dũng sĩ” thì chặng đường 30 năm xây dựng đi lên của xã biên giới này xứng đáng được xem là cuộc đua đường dài vượt chướng ngại vật với đích đến là vùng nông thôn mới tràn đầy sức sống.

Sau ngày chia tách thành lập, bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên địa bàn 9 thôn, làng trong xã luôn nỗ lực khắc phục vượt khó, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Từ địa phương thuần nông, sản xuất nông nghiệp manh mún, chủ yếu sống dựa vào cây lúa nương một vụ, cung không đủ cầu, xã Ia Nan từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đa dạng. Phát huy lợi thế vùng đất đỏ bazan phì nhiêu màu mỡ, các loại cây lúa nước, cao su, cà phê, điều, hồ tiêu dần “bám rễ” nơi đất làng, loại bỏ thế độc canh cây lúa nương một vụ năng suất thấp để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững cao.

Đồn BP Ia Nan cùng các tổ chức đoàn thể ở địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Kim Nga

Tham khảo số liệu báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của Đảng ủy xã Ia Nan có thể thấy rất rõ một sự chuyển biến hết sức căn cơ trên lĩnh vực kinh tế: Trong tổng số diện tích hơn 6.300ha cây trồng hiện có trên địa bàn xã thì có đến gần một nửa (3.051,5ha) là “chỗ đứng” của những cây hàng hóa chủ lực như cao su, hồ tiêu, cà phê, điều và các loại cây ăn quả khác. Cùng với đó, tổng đàn gia súc, gia cầm được bà con duy trì lên đến hàng chục ngàn con, đa dạng chủng loại như trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt... Tỷ lệ thuận với những con số tích cực đó là “số dư” trong công tác thu - chi ngân sách khi thu đã vượt chi gần 2 tỷ đồng, một con số rất đáng nhớ đối với địa phương cách đây 2 năm vẫn còn là xã vùng III (đặc biệt khó khăn).

Năm 2021 cũng là cột mốc rất đáng nhớ đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Ia Nan khi đón nhận quyết định của UBND tỉnh Gia Lai công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với việc “chạm đích” xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, nội chính, xây dựng hệ thống chính trị luôn được bảo đảm phát triển bền vững, trong đó, tỷ lệ người được chăm sóc sức khỏe, trẻ em trong độ tuổi đến trường, thôn, làng văn hóa đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong xã cũng được giảm xuống dưới 5%, cùng với đó, mức thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu đồng/người/năm.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm xây dựng và phát triển của xã biên giới Ia Nan có thể thấy rất rõ sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng và Nhà nước, nguồn nội lực dồi dào của địa phương và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị cơ sở và đồng bào các dân tộc. Ia Nan hôm nay đã thực sự trở thành “chàng lực sĩ” vững vàng thế đứng giữa ngút ngàn màu xanh biên giới.

Thay lời kết

Từ trung tâm xã Ia Nan, ngược lên hướng Tây khoảng 5km, chúng tôi vào Đồn BP Ia Nan trong một chiều trời chưa tắt nắng. Nhìn những người lính miệt mài thu hoạch rau xanh rồi bó lại rất cẩn thận, tôi không giấu được sự ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết, số rau này cùng với “Hũ gạo tình thương” được người lính BP Ia Nan chắt chiu hỗ trợ trong Chương trình “Rau xanh BP đồng hành cùng học sinh bán trú”. Kết nối điện thoại với cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpăh Klơng, chúng tôi thực sự xúc động khi nghe lời chia sẻ: “Rau xanh BP cùng với những hạt gạo tình thương của các chú bộ đội đến với bữa ăn của học sinh nghèo vùng biên có lẽ là hình ảnh đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến. Đây không chỉ là sự sẻ chia, mà còn chất chứa tình yêu thương vô điều kiện của người lính Cụ Hồ…”. Thế đấy, sự đồng hành của người lính BP Ia Nan dành cho nhân dân chưa bao giờ ngừng nghỉ, kể cả khi miếng cơm manh áo không còn là nỗi lo canh cánh nơi đất làng.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO