Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 01:28 GMT+7

Xã không có ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài

Biên phòng - Thời gian qua, UBND xã Mỹ Đức và Đồn Biên phòng Mỹ Thọ, BĐBP Bình Định đã chung tay, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, đưa Mỹ Đức trở thành xã không có ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy, hải sản trái phép.

wyhd_6a
Cán bộ Đồn Biên phòng Mỹ Thọ tuyên truyền pháp luật cho ngư dân địa phương. Ảnh: Thanh Bình

Mỹ Đức là xã nghèo ven biển của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào việc đánh bắt thủy hải sản trên biển. Hiện tại, toàn xã có trên 100 chiếc tàu công suất lớn đang hoạt động, chủ yếu là hành nghề đánh bắt xa bờ. Đại úy Nguyễn Quốc Hiệp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mỹ Thọ cho biết: Trước đây, tình trạng ngư dân địa phương xâm phạm vùng biển nước ngoài gia tăng, do rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do bà con thiếu kiến thức pháp luật về biển, đảo, hám lợi trước mắt mà không lường trước được tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy, hải sản trái phép.

Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Thọ đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng chủ phương tiện và từng ngư dân về tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy, hải sản trái phép. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức nhiều chương trình giao lưu, tọa đàm, văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung tuyên truyền để bà con hiểu biết về pháp luật và thực hiện.

Đơn vị đã phối hợp với địa phương xây dựng câu lạc bộ pháp luật, tổ chức 29 buổi tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Luật Biển quốc tế cho gần 1.000 lượt ngư dân và chủ phương tiện. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức cho 8 tổ tàu thuyền đoàn kết, 69 hộ dân trên địa bàn xã ký kết thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Bên cạnh việc tuyên truyền, Đồn Biên phòng Mỹ Thọ đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, chính quyền các xã tổ chức hội nghị bàn giải pháp hạn chế tình trạng tàu thuyền của ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Nhiều giải pháp hay, cách làm hiệu quả đã được đưa ra hội nghị bàn bạc thống nhất để triển khai thực hiện.

Ông Lê Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức cho biết: “Để thực hiện vấn đề này một cách hiệu quả nhất, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị đứng chân trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với BĐBP trong công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực, nhiều chế tài xử lý phù hợp, nhất là các tiêu chí đánh giá thành tích của địa phương hằng năm như: Địa phương nào có tàu thuyền bị bắt thì tổ chức Đảng cơ sở đó không đạt trong sạch vững mạnh, gia đình không được xét gia đình văn hóa, địa phương không được bình xét khen thưởng, ngư dân đó sẽ bị cắt mọi chế độ ưu đãi, nhất là ưu đãi theo Quyết định 48 và Nghị định 67 của Chính phủ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật...”.

Cũng theo Chủ tịch Lê Văn Chinh, hằng tuần, hằng tháng, địa phương và BĐBP tổ chức họp các chủ phương tiện và các tổ đội tàu thuyền để rút kinh nghiệm, bàn giải pháp và bổ sung thêm nhiều kiến thức pháp luật mới. Với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt như vậy, nên thời gian qua, mặc dù phương tiện hoạt động trên biển khá đông, nhưng Mỹ Đức không có phương tiện nào và ngư dân nào xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép và bà con rất an tâm, tự tin khi ra khơi.

Ngư dân Phan Văn Châu, thôn Phú Thứ, chủ phương tiện BĐ 94659TS, hành nghề câu cá ngừ trên vùng biển Trường Sa tâm sự: “BĐBP và địa phương thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, giúp ngư dân chúng tôi nắm chắc vị trí, ranh giới các vùng biển của Việt Nam, pháp luật của các nước lân cận và nhất là tác hại của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài nên chúng tôi chấp hành nghiêm, nếu vi phạm dẫn đến bị bắt thì thiệt hại trăm bề”.

Còn anh Đào Duy Cường, chủ phương tiện BĐ 94611TS, thì tỏ ra rất vui và hãnh diện khi địa phương mình không có phương tiện nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Anh cho biết: Bản thân anh và các chủ phương tiện trên địa bàn xã đã đồng lòng quyết tâm không vi phạm, thậm chí, anh cùng các chủ phương tiện còn tuyên truyền cho những phương tiện khác thực hiện tốt.

Theo Đại tá Phan Trường Sơn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, đây là một điểm sáng trong chấp hành pháp luật về biển và trong thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Do đó, cần phải nhân rộng mô hình xã không có ngư dân xâm phảm vùng biển nước ngoài này ra khắp tuyến biển của tỉnh. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trái phép.

Thanh Bình

Bình luận

ZALO