Biên phòng - WHO đã ghi nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 230.370 ca trong vòng 24 giờ.
Ngày 12-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở mức cao kỷ lục, với tổng cộng 230.370 ca trong vòng 24 giờ.
Theo báo cáo cập nhật theo ngày về tình hình dịch COVID-19, mức tăng lớn nhất này chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Kỷ lục trước đó được WHO ghi nhận là vào hôm 10-7 với 228.102 ca nhiễm/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức 5.000 ca/ngày.
Theo thống kê của Reuters, tính đến ngày 12-7, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã gần 13 triệu người, đánh dấu cột mốc mới trong quá trình lây lan của dịch bệnh vốn cướp đi sinh mạng của hơn 565.000 người chỉ trong vòng 7 tháng qua.
Nam Phi tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3
Trong bối cảnh trên, tối 12-7 theo giờ địa phương, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramphosa tuyên bố nước này tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3 song sẽ tăng cường một số biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ứng phó trước sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này gần chạm mốc 300.000 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong thông điệp quốc gia phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 13-7, nước này cấm mọi hoạt động mua bán đồ uống có cồn, đồng thời tái áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc vào ban đêm.
Ông Ramaphosa nêu rõ quyết định trên nhằm giảm số lượng người nhập viện do hậu quả của việc sử dụng rượu bia như tai nạn giao thông, bạo lực, ngộ độc..., nhờ đó giúp giảm tải cho hệ thống y tế vốn đang phải gống mình để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Tương tự, lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau cũng nhằm mục đích giảm tải cho hệ thống y tế trong bối cảnh đa số các vụ cấp cứu liên quan đến việc lạm dụng đồ uống có cồn thường xảy ra vào ban đêm.
Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng với những người trên đường đi làm, chở về nhà từ chỗ làm hoặc trên đường đi cấp cứu.
Bên cạnh đó, Tống thống Nam Phi yêu cầu siết chặt quy định về việc bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, công sở và trường học. Liên quan đến lĩnh vực vận tải, ngoài việc yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang cũng như thực hiện việc tẩy trùng phương tiện thường xuyên, các tài xế lái xe bus và taxi bắt buộc phải duy trì việc mở cửa sổ phương tiện để đảm bảo sự thông thoáng cần thiết.
Theo Tổng thống Ramaphosa, việc Nam Phi áp dụng một trong những lệnh phong tỏa được xem là nghiêm ngặt nhất thế giới trong hơn 100 ngày qua đã giúp nước này đạt được những thành công nhất định trong nỗ lực giảm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2, nhờ đó mà ngành y tế nước này có đủ thời gian chuẩn bị để sẵn sàng để ứng phó khi dịch lên đỉnh.
Trong khoảng thời gian này, Nam Phi đã chuẩn bị 28.000 giường cho bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện cùng hàng chục nghìn giường bệnh tại các bệnh viện dã chiến rải rác trên cả nước.
Ngoài ra, hơn 37.000 giường cách ly cũng đã được bố trí tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân tại toàn bộ 9 tỉnh.
Tính đến hết ngày 12-7, Nam Phi ghi nhận 276.242 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó có 4.079 trường hợp tử vong và 127.715 người khỏi bệnh.
Hiện tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại nước này nằm ở mức 1.5%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 4.4% trên thế giới.
Nam Sudan hỗ trợ lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu
Cũng trong ngày 12-7, Bộ Y tế Nam Sudan cho biết sẽ huy động các bác sỹ tâm lý để tư vấn và hỗ trợ cho lực lượng nhân viên y tế tuyến đầu, những người đang phải đối mặt với sự kỳ thị và mệt mỏi do đại dịch COVID-19.
Một nhóm các bác sỹ tâm lý đã sẵn sàng để giúp đỡ các nhân viên y tế - người đang chịu trách nhiệm đối phó với dịch COVID-19, và gia đình của họ giảm bớt căng thẳng.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại châu Phi, quyết định của cơ quan chức năng Nam Sudan được đưa ra sau khi 8 nhân viên y tế tuyến đầu đã rời bỏ công việc với lý do phải đối mặt với sự kỳ thị từ cộng đồng cũng như những áp lực tâm lý từ gia đình.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nam Sudan đã ghi nhận 2.021 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 38 người đã tử vong.
Theo Phạm Phong-Phi Hùng-Quang Trường/Vietnam+