Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 01:19 GMT+7

WEF khơi nguồn hy vọng của năm mới

Biên phòng - Trong bối cảnh thế giới vẫn “vật lộn” với đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng đi kèm, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 vừa qua đã cho thấy, có thêm nhiều tín hiệu tích cực về sự đoàn kết quốc tế để cùng tạo dựng sức mạnh chung cho toàn cầu hướng tới tương lai bền vững.

Chủ tịch Điều hành WEF Klaus Schwab trong Hội nghị trực tuyến Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 tại điểm cầu Thụy Sĩ. Ảnh: AFP

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 diễn ra trong tuần này tại Thụy Sĩ theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Cùng nhau làm việc, khôi phục lòng tin”. WEF 2022 đã quy tụ nhiều nguyên thủ quốc gia, tổ chức khu vực, chính phủ, doanh nghiệp lớn, các tổ chức xã hội dân sự để cùng thảo luận tìm giải pháp “mở đường” cho một tương lai bình đẳng và bền vững toàn cầu, đặc biệt là hiện thực hóa những ý tưởng, sáng kiến tái thiết thế giới.

Đáng chú ý, truyền thông quốc tế cho biết, WEF vừa qua đã chú trọng tới việc đẩy nhanh cuộc đua tới mức phát thải ròng bằng không; đảm bảo các cơ hội phục hồi kinh tế; không gian mạng; tăng cường chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển kinh tế ở các thị trường; thu hẹp khoảng cách trong sản xuất vaccine Covid-19 và sự chuẩn bị ứng phó với các làn sóng dịch bệnh tiếp theo.

Theo Chủ tịch Điều hành WEF Klaus Schwab, năm 2022 được đông đảo người dân trên toàn cầu kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tín hiệu tích cực để đẩy lùi hơn nữa đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng đi kèm. Để hiện thực hóa những kỳ vọng, các quốc gia cần có những mô hình, cách làm mới với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt, cần đổi mới hợp tác và cùng hành động một cách có hệ thống. Chương trình nghị sự của WEF 2022 là điểm khởi đầu, khơi nguồn các lực đẩy cần thiết đối với đối thoại quốc tế nhằm tăng cường một cách có hiệu lực, hiệu quả các mối quan hệ hợp tác toàn cầu.

Một trong những điểm nhấn quan trọng, đó là WEF kêu gọi toàn thế giới tăng cường đầu tư mở rộng các không gian xanh và nuôi dưỡng các hệ thống tự nhiên cung cấp nước, thực phẩm và không khí trong lành nhằm củng cố sức khỏe, giải quyết các nguy cơ về biến đổi khí hậu cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ở góc độ khác, nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị cùng chung lập luận rằng, các cuộc đối đầu trên toàn cầu, cũng như chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương tồn tại lâu nay cần phải sớm dẹp bỏ. Bởi lẽ, những vấn đề này sẽ tiếp tục tạo ra những hệ lụy khôn lường cho toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, hơn lúc nào hết, các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ, tái thiết lòng tin để cùng thực hiện những giải pháp bền vững nhưng cũng cần có tính đột phá.

Trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá, các nước thu nhập thấp đang gặp bất lợi rất lớn với tốc độ tăng trưởng chậm, gánh nặng của lạm phát kỷ lục, không gian tài khóa bị thu hẹp, lãi suất cao và giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt. Những yếu tố này đang ảnh hưởng lớn đến mọi nơi trên thế giới và cản trở sự phục hồi chung của toàn cầu.

Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới cần có những hành động khẩn cấp cần thiết để giúp các nước đang phát triển, đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp lớn của thế giới hỗ trợ các nước đang phát triển để cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Trong kịch bản hiện tại, các nước đang phát triển và có thu nhập thấp rất cần được tiếp cận với vaccine Covid-19, cũng như cần được hỗ trợ để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu và các hậu quả liên quan.

Hưởng ứng lập trường của Tổng Thư ký Antonio Guterres, giới chuyên gia chỉ ra rằng, những trọng tâm quan trọng của thế giới hiện nay là thúc đẩy hành động toàn cầu hơn để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine Covid-19; đẩy mạnh tính hiệu lực, hiệu quả trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu; cải cách hệ thống tài chính toàn cầu.

Hội nghị được giới học giả chính trị, kinh tế quốc tế đánh giá sẽ “khơi nguồn” thêm các nỗ lực chung của thế giới để giải quyết các thách thức hiện hữu, nổi cộm là suy thoái kinh tế, môi trường, biến động chính trị xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra trong hơn 2 năm qua.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO