Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:11 GMT+7

Vượt “sóng lớn”, vững vàng hợp tác biển ASEAN

Biên phòng - Trong chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), hợp tác biển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng là xác định những tồn tại, khó khăn để tìm ra các biện pháp khắc phục, tháo gỡ, từ đó đẩy mạnh hơn nữa hợp tác biển ASEAN.

Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Năm 2020, thời điểm kỷ niệm 10 năm Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), toàn thế giới và khu vực đều phải hứng chịu sự tàn phá nặng nề từ những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, hợp tác biển trong khuôn khổ ASEAN đã tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng về bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển, phát triển nghề cá, chống đánh bắt cá trái phép, ngăn ngừa ô nhiễm và rác thải trên biển... Nổi bật là ASEAN đã thành lập mạng lưới chống đánh bắt cá trái phép, xây dựng kế hoạch hành động chung chống rác thải trên biển và tiến hành nghiên cứu khả thi về xây dựng chính sách nghề cá chung của ASEAN. Cùng với đó, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 đã thông qua Tuyên bố EAS về Phát triển biển bền vững.

Hợp tác và an ninh biển là một lĩnh vực ưu tiên cao trong các Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 mà ASEAN đã hoàn tất với 7 đối tác bên ngoài khu vực trong năm 2020. Tuy nhiên, nhiều thách thức, diễn biến phức tạp đang nổi lên gây phương hại trật tự pháp luật trên biển, cũng như những thách thức phi truyền thống như đánh bắt cá trái phép, ô nhiễm môi trường biển và nạn rác thải nhựa, tội phạm trên biển...

Theo giới chuyên gia, hiện nay, có nhiều hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn leo thang có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi đó, hợp tác biển là là lĩnh vực mang tính liên ngành, liên trụ cột với 12 cơ quan tham gia vào hợp tác biển. Điều này có thể sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí nguồn lực...

Trước thực trạng hiện hữu, AMF lần thứ 10 được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp vào đầu tuần này đã có đề xuất ASEAN xây dựng một cách tiếp cận tổng thể, gắn kết, thích ứng và bao trùm về hợp tác biển. Cùng với đó, hội nghị đã chia sẻ sự cần thiết của việc tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đồng thời giảm thiểu chồng chéo, trùng lắp; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982; các biện pháp củng cố vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của AMF; phát huy hữu hiệu vai trò của AMF là diễn đàn đối thoại liên ngành.

Trên cương vị chủ trì AMF lần thứ 10 diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam đánh giá, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong thời điểm đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, với nỗ lực hết mình, “thuyền trưởng” Việt Nam đã chèo lái vững vàng ASEAN kết thúc năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công toàn diện, vang dội, trọn vẹn và thực chất. Riêng với hợp tác biển, Việt Nam đã đạt kết quả tốt trong nhiệm vụ đồng chủ trì hoạt động của nhóm công tác Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về an ninh biển, tổ chức Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân, và mới nhất là tổ chức Hội thảo kỷ niệm 10 năm AMF để trao đổi về việc xây dựng cách tiếp cận gắn kết, thích ứng của ASEAN về hợp tác biển.

AMF được thành lập vào năm 2010 và đã thực sự trở thành khuôn khổ hữu hiệu để thúc đẩy đối thoại, chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác biển, có những đóng góp quan trọng cho hợp tác và an ninh biển khu vực. Hợp tác biển luôn là một lĩnh vực ưu tiên cao trong hợp tác khu vực, với sự tham gia của nhiều cơ chế, cơ quan chuyên ngành, nằm trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025 và là một trong những lĩnh vực có nhiều hoạt động được triển khai nhất cho đến nay.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO