Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:00 GMT+7

Vượt qua trở ngại, nỗ lực thực hiện tốt công tác dân tộc

Biên phòng - Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, do Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức ngày 30-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến khẳng định: Ấn tượng của năm 2017 là UBDT đã chủ trì phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức thành công Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS tiêu biểu năm 2017. Trong nhiệm kỳ này, UBDT đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 13 đề án, chính sách thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, UBDT đã tham mưu phối hợp với các ban, ngành tổ chức thành công hội thảo về cán bộ dân tộc, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương...

wg6p_6a
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến và ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Bích Nguyên

Chỉ đạo hiệu quả công tác dân tộc

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng cho biết: “Với chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, năm 2017, với phương châm sâu sát cơ sở, UBDT chỉ đạo tiếp tục điều hành xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch công tác, chương trình hành động cụ thể. UBDT kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

UBDT đã chỉ đạo, thực hiện 138 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 61 nhiệm vụ. Có 77 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện, do còn trong thời hạn quy định. Bên cạnh đó, UBDT xây dựng, hoàn thiện 11/11 đề án, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có 8 đề án, chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành”.

Ngoài ra,  năm 2017, UBDT tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả 11 chương trình, đề án, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số, hạn chế tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở... Trong đó, chính sách “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vùng đặc biệt khó khăn” theo Quyết định số 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần tăng cường thông tin về cơ sở. Các báo, tạp chí có nhiều tin, bài, ảnh nội dung chất lượng cao, góp phần quan trọng trong việc định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đồng bào, củng cố niềm tin của bà con với Đảng, Nhà nước, ổn định chính trị vùng DTTS &MN. Có thể nói, việc thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống cho đồng bào vùng DTTS&MN.

Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, CSDT, trong năm qua, UBDT đã tăng cường hợp tác quốc tế. Nổi bật nhất là việc tổ chức Diễn đàn phát triển DTTS năm 2017 với chủ đề “Hợp tác, kết nối hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp”. Sau hội thảo, UBDT đã ký kết với 14 tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện CSDT

Tại Hội nghị tổng kết năm, bên cạnh việc đánh giá kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong CTDT năm 2017. Đó là việc theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện các CSDT chưa thường xuyên, liên tục. Chưa tháo gỡ kịp thời một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện CSDT. Một số đề án, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn, hoặc kinh phí thấp, chưa đáp ứng yêu cầu...

Nhận định năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, UBDT tiếp tục cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng đồng bào DTTS&MN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS, tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018, tăng cường hợp tác quốc tế về công tác dân tộc, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác quốc tế đã ký. Ngoài ra, UBDT sẽ tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, hình thành các luận cứ khoa học góp phần xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN; xây dựng bảng danh mục thành phần dân tộc; tham gia dự thảo Văn kiện Đại hội XIII; xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và đổi mới hệ thống CSDT giai đoạn 2021-2025...

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Tạo cho biết, Vĩnh Phúc có 5 huyện có người DTTS sinh sống, trong đó, huyện Tam Đảo có số người DTTS đông nhất. Từ thực tế quá trình tổ chức thực hiện CSDT ở địa phương mình còn nhiều bất cập hạn chế, ông Tạo cho rằng, nên rà soát lại thật kỹ các chính sách hiện có vì có nhiều chính sách chưa mang lại kết quả rõ nét. Ví dụ như Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn không còn phù hợp. Theo đó, hộ nghèo được 100.000đồng/người/năm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm. Ông Tạo cho rằng, với các khoản hỗ trợ quá ít như thế không đủ để đầu tư bất cứ một việc gì. Ông đề xuất nên đưa các khoản hỗ trợ này vào chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất mua giống cây trồng, vật nuôi.

Ông Tạo cũng đề cập đến một khía cạnh khác khi thực hiện CSDT. Đó là, UBDT chủ trì nhưng không trực tiếp thực hiện một số CSDT, ví dụ như Nghị quyết 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 hoặc Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 10-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Do vậy, các ngành thực hiện đến đâu, UBDT không nắm và không chỉ đạo cơ sở được. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu trong các nghị quyết, quyết định trên quá rộng, rất khó đánh giá. Ông đề nghị nên có các buổi tập huấn cho cán bộ làm CTDT khi triển khai chính sách mới.

Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc Hà Nội đề nghị, các chính sách mới ban hành cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, tỉ mỉ, kịp thời của UBDT để các địa phương tổ chức thực hiện. Còn ông Hoàng Quang Minh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình kiến nghị, Trung ương cần có cơ chế linh hoạt hơn để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của mình để tổ chức thực hiện các CSDT. Bên cạnh đó, cần bổ sung kịp thời các nguồn lực thực hiện cho các chính sách đã được phê duyệt triển khai.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO