Biên phòng - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đầu tuần này bày tỏ đau xót khi chứng kiến mức gia tăng ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cũng như cuộc khủng hoảng đại dịch tại Ấn Độ. Ông Tedros nhấn mạnh, những gì đang diễn ra ở Ấn Độ đã vượt quá mức đau lòng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết, số ca nhiễm mới trong 1 ngày tại Ấn Độ ở mức suýt soát 353 nghìn ca, số ca tử vong trong 1 ngày là hơn 2,8 nghìn người là mức tăng đột biến cao nhất được ghi nhận kể từ khi nhân loại chung sống với đại dịch hơn 1 năm qua. Ấn Độ liên tục xác lập những kỷ lục mới trong nhiều ngày liên tiếp về tăng số ca nhiễm mới và số ca tử vong.
Tính đến đầu tuần này, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất hiện nay vẫn là Mỹ với trên 32,7 triệu ca nhiễm gồm gần 585 nghìn ca tử vong. Ấn Độ - quốc gia có 1,3 tỷ dân đứng thứ 2 thế giới với tổng cộng 17,31 triệu ca nhiễm, trong đó có 195.123 người đã tử vong trong suốt thời gian đại dịch. Giới quan sát y tế quốc tế nhìn nhận, dù đứng thứ 2 và còn kém xa Mỹ, nhưng Ấn Độ nghiêm trọng hơn rất nhiều bởi đây là mức tăng đột biến. Thậm chí, dự báo từ các tổ chức y tế quốc tế còn cho thấy, các kỷ lục liên tiếp được thiết lập ở Ấn Độ sẽ chưa thể dừng lại và tình hình sẽ còn thảm khốc hơn nữa.
Đáng chú ý, Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) mới đây dự báo, từ nay đến giữa tháng 5 sẽ có thêm khoảng 200 nghìn người chết do Covid-19 ở Ấn Độ. Ở đỉnh điểm giữa tháng 5, có thể 13 nghìn người ở Ấn Độ sẽ chết do Covid-19 trong 1 ngày. Trước đây, từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, Covid-19 ở Ấn Độ có xu hướng giảm nhưng đã đảo chiều vào thời điểm hiện nay. IHME cũng dự báo rằng, đến đầu tháng 8, số ca tử vong ở Ấn Độ sẽ tăng lên gần 960 nghìn người.
Giới chức Ấn Độ cũng như các chuyên gia y tế quốc tế cho rằng, nguyên nhân lây nhiễm tăng đột biến ở quốc gia rộng lớn và đông dân này là do ý thức kém trong việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh. Hơn hết, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vào giai đoạn cuối năm trước, đầu năm nay, thái độ coi thường dịch bệnh lan tràn rộng khắp từ chính trường tới cộng đồng xã hội. Người dân mặc nhiên không đeo khẩu trang, tụ tập trong các cuộc tuần hành chính trị, các hoạt động đời sống, đặc biệt là hàng triệu người cùng tham gia lễ hội... tất cả đều bất chấp mọi khuyến cáo phòng, chống dịch. Hơn hết, sau thời gian siết chặt các biện pháp mạnh để “dập dịch”, Ấn Độ chứng kiến sự suy thoái mọi mặt về kinh tế - xã hội, cùng với thái độ tự mãn về năng lực y tế của mình, Ấn Độ “mở cửa” mạnh mẽ, nối lại mọi hoạt động tương đối bình thường như trước khi dịch bệnh xuất hiện, dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát.
Tăng đột biến ca nhiễm và tử vong, hệ thống y tế và xử lý dịch bệnh còn nhiều yếu kém của Ấn Độ cũng nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, điều này càng khiến tình hình dịch bệnh xấu đi ở mức “phi mã”. Những hình ảnh lượng thi thể người thiệt mạng phải xếp hàng dài chờ hỏa táng đã phản ánh rõ nét về sự đau thương không thể kể xiết đang diễn ra tại Ấn Độ.
Trước tình hình liên tục giữ mức “báo động đỏ”, cộng đồng quốc tế đã tăng cường các hành động hỗ trợ, sát cánh với quốc gia này. Trong đó, dù Mỹ dẫn đầu thế giới về thiệt hại do Covid-19, song, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hỗ trợ Ấn Độ trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh. Nhiều nhà quan sát đánh giá, sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Ấn Độ những ngày qua là một kỷ lục.
Ở góc độ lạc quan, nhiều học giả cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cùng với nỗ lực của chính quyền và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế sẽ thúc đẩy ý thức phòng, chống dịch cao hơn. Thế giới đang chia sẻ đau thương với Ấn Độ và kỳ vọng người dân nước này sớm thoát khỏi “bức tranh” đau thương, u ám hiện hữu do “sóng thần” Covid-19.
Thanh Trúc