Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Vượt qua mọi khó khăn để cứu nạn ngư dân

Biên phòng - Hải đội 2, BĐBP Quảng Nam là đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển và tham gia cứu hộ, cứu nạn. Những “ca” vượt sóng, cứu người gặp nạn giữa trùng khơi của cán bộ, chiến sĩ đơn vị thời gian qua đã cho thấy ý chí vượt khó của một tập thể được mệnh danh là “kình ngư trên biển”.

4gpb_6a
Tàu BP 43-1103 lai dắt tàu cá của ngư dân bị nạn trên biển. Ảnh: Lê Văn Chương

Bám tàu, bám biển

Trong những ngày hè, dưới cái nắng nóng hầm hập của miền Trung, những người lính của Hải đội 2 vẫn bám tàu và sử dụng “máy điều hòa gió biển” để xua đi cái nắng nóng trên tàu.

Thực tế, so với tàu của ngư dân thì tàu của những người lính Biên phòng có phần “nhỏ con” hơn. Tàu tuy nhỏ, nhưng trên tàu là những người lính dạn dày kinh nghiệm đi biển. Đó là Thượng úy Nguyễn Đức Thiện và Đại úy Nguyễn Văn Thạch cùng nhiều đồng đội khác đã từng chạy tàu giữa lúc mưa bão mù mịt, sóng phủ trắng boong tàu, tìm cách đưa tàu và ngư dân vào bến. Đó là Thượng úy Nguyễn Đắc Dũng, vận động viên bơi lội cấp Bộ Tư lệnh BĐBP. Và, người tổng chỉ huy trên tàu và giàu kinh nghiệm nhất là Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng...

Chuyến cứu nạn gần đây nhất là vào chiều 17-4-2018, tàu BP 43-1101 xuất bến Kỳ Hà đi cứu tàu cá QNa 90749 TS. Thời điểm tàu xuất bến, trên biển có gió cấp 6-7, trời mù, tầm quan sát hạn chế. Con tàu lặng lẽ vượt sóng tiến về phía đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để đến tọa độ tàu bị nạn. Tàu câu mực chở theo 20 tấn mực khô trên đường từ quần đảo Trường Sa về bị sự cố hỏng máy. Máy tàu chỉ hoạt động ở mức cầm chừng để đẩy tàu đi với tốc độ như “rùa bò”. Nhưng khi gặp sóng lớn thì con tàu này gần như neo lại một chỗ và kêu gọi tàu cứu nạn.

Trong đội tàu của Hải đội 2, tàu nào cũng từng được ghi vào “sổ vàng” về thành tích tham gia cứu hộ, cứu nạn của đơn vị. Tàu BP 43-1101 hiện nay được xem như “anh cả”. Còn nhớ, trong vụ trên đường đi cứu nạn tàu cá QNa 90749 TS của ngư dân Quảng Nam, con tàu lao đi với tốc độ rất cao. Tọa độ tàu bị nạn (15 độ 24 phút kinh Đông - 108 độ 55 phút 366 vĩ Bắc) hiển thị trên ra đa mỗi lúc được rút ngắn khoảng cách. Khi tàu Biên phòng tiến đến gần thì bầu trời đã ngả màu xám tro giữa biển sóng mỗi lúc một dữ dội.

Để phù hợp với tình hình “tàu nhỏ cứu tàu to”, trên tàu Biên phòng được trang bị dây ni lông loại có đường kính hơn 4cm. Đối với loại dây có đường kính lớn như vậy thì thường phải thao tác bằng trục tời để quấn – thả. Nhưng anh em trên tàu vẫn thao tác bằng tay. Dây được thả xuống trước mũi tàu bị nạn, đầu dây buộc theo phao tròn. Kể từ giờ phút đó, 2 con tàu giống như chơi trò ú tim giữa sóng lớn. Tàu Biên phòng liên tục di chuyển cách tàu bị nạn khoảng 70m để dây trôi gần và quét vào mũi tàu bị nạn. Phải mất khoảng 20 phút chông chênh trên sóng to, các ngư dân bên tàu câu mực mới chộp được dây và rút lên cột vào tàu mình để bắt đầu cuộc hành trình trở về bờ.

Ý chí vượt trùng khơi

Nỗi lo lắng nhất của các chiến sĩ Biên phòng tham gia cứu nạn, đó là đứt dây kéo. Những năm trước đây, khi cứu nạn thì chuyện đứt dây vài lần là chuyện thường. Nếu đứt dây vào ban đêm thì coi như cực hình, vì con tàu vừa phải nối lại dây, nhưng cũng phải luôn tránh né, không để chân vịt quấn vào dây đang trôi nổi. Trường hợp tàu quấn dây, nằm bất động, sau đó bị sóng đánh chìm là chuyện từng xảy ra đối với nhiều tàu biển khác.

Trung úy Trần Ngọc Việt và Vương Đăng Kiên từng nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn chia sẻ, khi tổ chức cho tàu nhỏ cứu tàu to thì phải luôn trực dây phía sau boong. Nếu dây đứt đột ngột thì phải báo ngay cho thuyền trưởng. Việc xoay xở trong đêm tối chỉ thực hiện được sau khi hai bên tàu đã ra tín hiệu rút dây lên boong, không còn nguy cơ quấn vào chân vịt nữa. Khi tổ chức lai dắt tàu thì khoảng cách giữa 2 tàu là 100m, vào tới gần cửa biển Kỳ Hà thì chiều dài dây sẽ được rút dần xuống còn 50-30m, vì cửa lạch quá hẹp.

Trong những chuyến đi cứu nạn của Hải đội 2, có những chuyến tàu đi ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa để cứu kéo tàu bị nạn đã trôi nổi nhiều ngày trên biển. Hải đội trưởng và những chỉ huy khác thường có mặt trên những chuyến đi này để động viên, chỉ đạo và chia sẻ kinh nghiệm với các chiến sĩ trẻ. Ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, mọi người đều nói về quyết tâm vượt qua khó khăn khi nhận nhiệm vụ. Những chuyến đi cứu hộ, cứu nạn, thông thường bữa ăn trên tàu là mì tôm và trứng. Nồi cơm bắc lên bếp có khi phải hạ xuống vì tàu bị sóng biển đánh chao đảo.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO