Biên phòng - Từ năm 2012-2017, cô đỡ thôn bản người dân tộc Mông Thào Thị Se, thôn Chúng Pả B, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã khám thai cho gần 1.000 phụ nữ, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm và chuyển tuyến kịp thời 13 phụ nữ mang thai. Cô cũng đỡ đẻ tại nhà thành công cho 55 sản phụ. Với nhiều đóng góp cho cộng đồng, Thào Thị Se vừa được Bộ Y tế tặng Bằng khen và vinh danh là Cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Hạ sơn học nghề
Trò chuyện với Thào Thị Se, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở cô gái này là sự quyết tâm vượt khó, hiện thực hóa ước mơ của mình. Năm 2010, Se được Sở Y tế Hà Giang lựa chọn đi học lớp y tế thôn bản do Bộ Y tế mở. “Khi nhận tin này, tôi mới sinh con được 2 tháng. Kinh tế gia đình còn khó khăn, lại chưa đi xa nhà bao giờ khiến tôi lo lắng và suy nghĩ nhiều. Tôi định không đi học nhưng mọi người trong bản đã động viên, giúp tôi tự tin hơn đi đến quyết định theo học làm cô đỡ thôn bản để sau này có cơ hội phục vụ bà con” - Se tâm sự.
Có một lý do khác thúc đẩy cô gái 22 tuổi này quyết tâm học làm cô đỡ thôn bản chính là những thiếu thốn, sự thiệt thòi của phụ nữ mà cô đã chứng kiến ở cộng đồng của mình. Phố Cáo là xã biên giới khó khăn, nhiều thôn trong xã không có đường đi xe máy, chỉ có thể đi bộ. Toàn xã có hơn 6.000 người, trong đó, người Mông chiếm 92%, các hộ dân sinh sống rải rác tại 18 thôn bản.
Se cho biết, trong xã còn rất nhiều nhà nghèo không đủ ăn, không có áo ấm để mặc. Điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở y tế hạn chế khiến nhiều phụ nữ mang thai không được chăm sóc tốt. Một số phụ nữ khi sinh đẻ bị biến chứng sản khoa, không được cấp cứu kịp thời ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và con. Những điều đó, luôn ám ảnh trong tâm trí, thôi thúc Se phải làm điều gì đó để thay đổi số phận của những sản phụ trong công đồng. Đây cũng là động lực để cô xuống núi học nghề.
Vượt qua chính mình, Se mang theo con nhỏ 3 tháng tuổi hạ sơn về thành phố Hà Giang học làm cán bộ y tế như cách nói của người Mông thôn Chúng Pả B. Se nhớ lại: “Thời gian đi học ở thành phố Hà Giang là những ngày vất vả, khó khăn nhất đối với tôi. Xa gia đình, vừa học, vừa phải lo chăm con khiến tôi có lúc nản chí muốn bỏ dở. Rất may, các thầy cô giáo, cán bộ của Sở Y tế động viên và giúp đỡ tôi rất nhiều. Vì vậy, tôi đã cố gắng học tốt và hoàn thành khóa học”.
Tốt nghiệp khóa học cô đỡ thôn bản, trở về xã Phố Cáo, Se được Trạm y tế phân công phụ trách 3 bản. Ngoài công việc chính là đỡ đẻ tại nhà khi sản phụ không đến hoặc không kịp tới trạm y tế, Se còn phải làm công tác vận động bà con ăn chín, uống sôi, làm vệ sinh thôn bản như phát quang bụi rậm xung quanh nhà, nằm ngủ trong màn, diệt muỗi, khi ốm phải đến trạm y tế để khám và lấy thuốc về uống. “Hằng tháng, tôi thường xuyên tranh thủ thời gian đến từng gia đình có phụ nữ có thai để khám thai cho họ, vận động chị em đến trạm y tế sinh con, hướng dẫn sản phụ vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho con nhỏ và cách cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu” – Se kể.
Cứu người là trên hết
Se cho biết, công việc của cô rất vất vả, tiền phụ cấp chỉ được 200.000 đồng/tháng. Số tiền đó không thấm vào đâu với chi phí sinh hoạt của gia đình, nhưng cô vẫn cố gắng chu toàn việc nhà và phục vụ cộng đồng. Đến năm 2017, Se không còn được cấp tiền phụ cấp nữa. Không vì thế mà Se bỏ việc, cô tâm sự: “Chồng tôi không đồng ý cho tôi đi làm vì nhiều người gọi quá lại không có tiền phụ cấp. Tôi nói với chồng, mình được đi học đàng hoàng, bà con trong bản tin tưởng mới gọi mình giúp mà lại từ chối thì không nên. Cứu người là trên hết. Nhiều lần thuyết phục như thế, chồng tôi đã hiểu, giúp đỡ tôi nhiều hơn. Có những lần, vào đêm khuya, người dân tới nhờ tôi tới nhà họ đỡ đẻ, chồng tôi đều dậy mở cửa và đi cùng tôi đến 11, 12 giờ đêm mới về”.
Với sự đồng thuận, giúp đỡ của chồng, Thào Thị Se đã giúp cho nhiều gia đình được mẹ tròn, con vuông trong những tình huống hết sức nguy cấp. Cô nhớ lại: “Tháng 12-2017, người thân của một sản phụ nhờ tôi tới nhà đỡ đẻ, do họ không kịp đến trạm y tế. Khi đưa được ra khỏi bụng mẹ, toàn thân em bé bị tím tái hết, thở thoi thóp. Gia đình họ hoảng quá, lấy hết bát trong nhà ra đập vỡ làm phép để cho bé khóc. Tôi không tin phép đó có thể cứu sống được bé. Tôi dùng hết các kiến thức đã được học để hô hấp cho em bé. Một lúc sau, em bé mới khóc oe oe, hồng hào trở lại. Bà nội của bé đó bảo, ngày xưa bà đẻ con cũng bị tím tái như đứa cháu này. Bà ấy không biết làm gì hết, cứ để cho con nằm trên giường và mất con vì không được sơ cứu. Bà nói, lần này nếu không có tôi thì cháu bà chết rồi”.
Một lần khác, khi tới nhà đỡ đẻ, Se phát hiện sản phụ bị lộ cổ tử cung. “Chưa bao giờ gặp trường hợp này, ban đầu rất sợ nhưng rồi tôi tự trấn tĩnh và gọi một nữ hộ sinh khác tới hỗ trợ. Lúc đó, sản phụ sắp ngất đi rồi. Chúng tôi làm các biện pháp sơ cứu, tiêm thuốc. Khoảng 30 phút sau, sản phụ tỉnh táo trở lại, tôi gọi chồng tôi đến phụ giúp đưa sản phụ tới trạm y tế. Dù đang đi làm nương, chồng tôi vẫn quay về ngay để đưa chị đó về trạm y tế” - Se kể. Nhờ vợ chồng Se, sản phụ đó đã được cấp cứu kịp thời, giữ được tính mạng của cả hai mẹ con.
Không chỉ đỡ đẻ, nhờ những kiến thức y khoa học được, Se còn cứu giúp nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông hoặc bị một số bệnh thông thường. Một lần, cô đi làm nương gặp cháu bé 8 tuổi bị co giật vì sốt mà người nhà không hề hay biết. “Tôi đi chặt một cây nứa sạch cho vào miệng ngăn bé cắn vào lưỡi. Sau đó, tôi và chồng đưa em bé này vào trạm y tế cấp cứu. Em bé đã được cứu sống kịp thời”.
Bích Nguyên