Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 02/06/2023 12:50 GMT+7

Vượt nắng, thắng Covid-19

Biên phòng - Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa khô, những dòng suối đang ngày càng cạn kiệt. Dọc theo chiều dài gần 600km đường biên giới 4 tỉnh Tây Nguyên, ven những cánh rừng khô cháy ấy, hàng trăm tổ chốt phòng, chống dịch Covid-19 của BĐBP thực hiện nhiệm vụ “kép” vẫn vững vàng bám trụ. Trong cái khó khăn của thời tiết, những người lính vẫn có cách để khắc phục, nhiều nơi còn trồng rau, nuôi được gà để cải thiện đời sống.

Rau xanh trên chốt phòng, chống dịch Đồn Biên phòng Ia HLeo, BĐBP Đắk Lắk. Ảnh: Đăng Bảy

Khó khăn sẽ khắc phục

Mùa này, trên biên giới Tây Nguyên, trong chang chang nắng, giữa mênh mông gió, bằng mắt thường vẫn có thể thấy từng đám bụi bốc lên trong không trung. Đám cỏ may cháy chỏng chơ vì nắng như chỉ chờ chân người quệt ngang là vỡ rụm, giòn tan. Cảm giác như chỉ cần một ngọn lửa nhỏ bật lên cũng có thể gây cháy... Với những chốt Biên phòng, cái cần nhất lúc này là nước, nước cho sinh hoạt và nước cho động vật, cây xanh tồn tại.

Trung tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Loong, BĐBP Kon Tum cho biết: Từ tháng 3-2020 đến nay, đơn vị luôn duy trì 3 chốt trên tuyến biên giới dài gần 18km. Đoạn đường từ đồn ra biên giới dài 15,5km, nhưng rất xấu, không thể di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Nếu hành quân bộ thì mất khoảng 4 giờ. Còn nếu đi bằng ô tô thì phải chạy ngược ra trung tâm thị trấn, vòng qua xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi rồi chạy tiếp theo đường tuần tra biên giới mới đến được các chốt phòng, chống dịch do đồn phụ trách. Cung đường này dài khoảng 80km, xa hơn từ đồn chạy về trung tâm thành phố Kon Tum. Nhưng khó khăn nhất hiện nay ở các tổ, chốt phòng, chống dịch là nước sinh hoạt.

“Trong cái khó, vẫn có cái may”, Đồn trưởng Bình chia sẻ: Ở khu vực chốt số 3, có con suối nhỏ chạy ngang qua. Cứ vào buổi chiều, anh em ở 3 chốt lại thay nhau về đây tắm giặt rồi cõng nước về chốt.

Thượng úy Đào Tin, người dân tộc Xê Đăng, phụ trách chốt số 1, nói: “Từ đây về chốt số 3 khoảng 10km. Mỗi buổi chiều, sau khi tắm giặt, mỗi chiến sĩ phải có trách nhiệm mang về chốt 20 lít nước. Sau khi được “xử lý” bằng cách lọc qua bồn có một lớp cát phía dưới, nước suối đó sẽ được dùng để nấu cơm, pha mỳ tôm và đun nước uống. Tận dụng những giọt nước hiếm hoi sau khi sinh hoạt, anh em ở chốt số 1 còn tranh thủ trồng bầu, bí để lấy đọt, lấy lá ăn. Nước ít, không trồng rau được, chỉ trồng bầu, bí thôi”. Cũng theo lời kể của Thượng úy Tin, chốt số 1 nuôi được 15 con gà, sắp tới anh em sẽ về đồn xin con giống ra nuôi thêm. “Ở đây nóng lắm, đã có 2 con gà ấp, nhưng trứng hư hết, mỗi lần chỉ nở được 1 con”...

Theo Đại tá Dương Thế Võ, Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum, ngoài Đồn Biên phòng Sa Loong, còn có 2 đồn nữa là Rờ Kơi và Dục Nông cũng không có đường ô tô chạy ra biên giới. Mỗi lần hành quân, tuần tra, bộ đội đều phải đi bộ. Nắng thì bụi, nóng, mưa thì lầy lội, đi lại rất khó khăn. Nhưng nan giải nhất hiện nay vẫn là nước sinh hoạt cho các tổ, chốt Biên phòng trên biên giới. Hiện, đơn vị đang cân đối các nguồn kinh phí, kết hợp với vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ các tổ, chốt phòng, chống dịch trên biên giới lắp đặt các đường ống dẫn nước từ suối về. Bình quân mỗi đường ống dẫn nước như thế, chi phí trên dưới 50 triệu đồng.

Nỗ lực cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh

Không chỉ Kon Tum, càng xuôi về Gia Lai, Đắk Lắk, thời tiết càng nóng, ở khu vực biên giới lại nóng hơn các huyện, thị nội địa. Và điều đặc biệt là ban ngày nắng nóng như thiêu, như đốt, nhưng ban đêm lại lạnh giá.

Thiếu tá Nguyễn Trường Giang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai cho biết, các chốt phòng, chống dịch của đơn vị đều thiếu nước sinh hoạt. Riêng chốt Cota (cách đồn 6km) nằm lọt giữa 2 đỉnh núi cao nên ngoài việc thiếu nước, còn không có cả sóng điện thoại, sóng nghe radio. Nên anh em rất mong muốn làm sao để có sóng nghe đài, phục vụ cho việc cập nhật tin tức, tình hình trong nước và địa phương, có nước để sinh hoạt cho thoải mái...

Gặp nhau trên biên giới, Trung tá Bùi Quốc Chính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai cho biết, trên chiều dài 15,6km đường biên giới do đơn vị phụ trách, có 6,2km chạy trên sông.

Hiện nay, cả 10 chốt phòng, chống dịch của đơn vị cơ bản đã được kiên cố hóa, nhưng vì đang là cao điểm của mùa khô nên cũng gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Hàng ngày, đơn vị phải mua khoảng 2.000 lít nước sạch chở ra biên giới cho anh em nấu cơm, đun nước. Việc tắm giặt, cơ bản anh em ở các chốt tận dụng sông suối.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Tòng, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai, trên tuyến biên giới dài khoảng 90km, đơn vị đang duy trì 24 chốt và 10 tổ kiểm soát lưu động làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là nước sinh hoạt, nhưng 100% anh em trên các chốt đều an tâm tư tưởng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở một số chốt gần sông suối, anh em còn tranh thủ trồng rau, nuôi gà. Một số chốt còn vận động các nguồn kinh phí, tận dụng vật liệu để láng nền, tô vách cho chốt....

Cùng với việc trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ trên chốt phòng, chống dịch Đồn Biên phòng Ia Lốp, BĐBP Đắk Lắk còn nuôi thêm gà, góp phần cải thiện bữa ăn. Ảnh: Đăng Bảy

Chốt phòng, chống dịch Đồn Biên phòng Bo Heng, BĐBP Đắk Lắk, là căn nhà tiền chế, nằm cạnh đường tuần tra biên giới, sát với cột mốc 46 (1). Nơi đây, 5 anh em trong chốt, ngoài giờ tuần tra, canh gác còn tranh thủ trồng rất nhiều rau xanh, bầu, bí, nuôi cả chim cảnh. Đại úy Ngô Minh Sơn, chốt trưởng cho biết, chốt cách đồn 6km, nhưng lại gần suối nên việc tắm giặt cũng thuận tiện. “Không có khó khăn gì mà chúng tôi không vượt qua. Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là góp phần cùng đơn vị ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên biên giới” - Đại úy Sơn chia sẻ.

Tuy đã có “thâm niên” bám trụ trên chốt phòng, chống dịch, nhưng Trung tá Hoàng Kim Long, Chốt trưởng chốt phòng, chống dịch Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk lại rất phấn khởi và lạc quan khi nói về cuộc sống, sinh hoạt của anh em trên chốt. Anh kể, chốt có điện năng lượng mặt trời, có nhà tiền chế và cả giếng khoan mới được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán. Tuy xa chợ nhưng hàng ngày đều có tiếp phẩm từ đồn đưa ra. Ngoài ra, anh em còn tranh thủ trồng rau, nuôi hàng chục con gà.

“Dịp Tết vừa rồi, ngoài chế độ tiêu chuẩn trên cấp, đồn còn đảm bảo thêm ăn tươi, thịt cá thoải mái, không thiếu thốn gì, anh em đều rất vui, rất phấn khởi. Chúng tôi quyết tâm bám trụ ở đây cho đến khi nào cả nước chiến thắng dịch bệnh” - Trung tá Long hồ hởi nói.

Tuy vẫn còn đó những khó khăn, vất vả bởi yếu tố khách quan, nhưng do xác định tốt tư tưởng, trách nhiệm, với tinh thần “vượt nắng, thắng Covid-19”, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên các tổ, chốt Biên phòng phòng, chống dịch tuyến biên giới Tây Nguyên đều yên tâm, vượt qua mọi khó khăn, gắn bó, bám trụ trên biên giới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO