Biên phòng - Tối 31-3, đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3-2021.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là Phiên họp thương kỳ Chính phủ cuối cùng của Chính phủ khóa XIV trước khi Quốc hội kiện toàn nhân sự diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã đi qua Quý I/2021 với kết quả rất tích cực.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 tăng 4,48% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng Quý I/2020.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng 3,16%, năng suất lúa đạt khá, chăn nuôi phục hồi, sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực công nghiệp và xây dựng có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng 6,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính của nền kinh tế, tăng 9,45%, cao hơn cùng kỳ năm trước và tiệm cận mức tăng 2 con số ở thời điểm trước dịch bệnh.
Khu vực dịch vụ tăng 3,34%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 6,8% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi trở lại.
Mặt khác, lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân Quý I/2021 chỉ tăng 0,29%. Tiến độ thu ngân sách khả quan, tổng thu ngân sách đạt 30,1% dự toán, cao hơn các năm trước.
“Nhiều chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục gia tăng, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với những cải thiện vững chắc về tài khóa, nợ công, nợ nước ngoài... cũng như những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn của đất nước” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả. Xuất nhập khẩu hàng hóa Quý 1/2021 tiếp tục đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 2,03 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh sự dần hồi phục của kinh tế thế giới, nhu cầu và giá một số mặt hàng tăng khá, cho thấy việc tận dụng các thị trường của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Tổng số vốn Quý I đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.
“Đặc biệt có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế nước ta” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm. Tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết ở mức cao, trên 90%, giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh phòng, chống dịch bệnh và chăm lo Tết, Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ cứu đói giáp hạt cho người dân; không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước.
Việt Nam cũng tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới của Liên hợp quốc.
“Nền kinh tế còn đối diện không ít khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể tăng, du lịch chưa phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Viết Hà