Biên phòng - Là đơn vị đóng quân xa nhất của BĐBP Thừa Thiên Huế, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nhưng với ý chí, quyết tâm của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên luôn khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống cho bộ đội.
Khắc phục khó khăn
Khi tiếng gà rừng đầu tiên vừa cất tiếng gáy, báo hiệu một ngày mới bắt đầu, tôi thức dậy để kịp theo chân Thượng úy Hồ Việt Anh, cán bộ phụ trách công tác tiếp phẩm của Đồn Biên phòng Hương Nguyên trở vào đơn vị.
Khẩn trương sắp xếp những nhu yếu phẩm để buộc lên xe, Thượng úy Anh chia sẻ: “Vì đường xa, đèo dốc nên từ chiều ngày hôm qua, tôi đã phải di chuyển ra chợ thị trấn mua một số nhu yếu phẩm. Sau đó, trở lại nghỉ ở tổ, đội công tác một đêm. Sáng sớm hôm nay mới vào đơn vị”.
Có tận mắt chứng kiến, tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải trải qua. Chiếc xe máy đang gằn lên từng đợt, cố gắng vượt qua từng đoạn đường quanh trên con dốc A5 (nằm trên con đường Hồ Chí Minh nối Thừa Thiên Huế với Quảng Nam). Tôi căng mắt để dò đường theo ánh sáng lập lòe từ đèn xe máy đang xé tan lớp sương mù dày đặc.
Thượng úy Hồ Việt Anh chia sẻ về kinh nghiệm của mình: “Ở đây, quanh năm sương mù dày đặc nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm sương mù nhiều chỉ nhìn được khoảng cách chừng 5m, chính vì thế không thể đi nhanh được. Nếu những ai đi quen thì cứ nhìn vạch kẻ đường để xác định hướng đi”.
Thật vậy, khoảng cách từ Đồn Biên phòng Hương Nguyên ra trung tâm thị trấn A Lưới hơn 50km, nhưng để vượt qua được thì đó là một thử thách không hề nhỏ. Vừa vượt qua con dốc A5, Thượng úy Hồ Việt Anh và tôi dừng chân, vừa để kiểm tra và cũng để cho chiếc xe được nghỉ ngơi khi vượt qua một đoạn dốc dài. Bộ quần áo mưa ướt sũng. Chiếc ống bô xe máy đang bốc từng làn khói nghi ngút bởi những giọt nước đang nhỏ ra từ bộ áo mưa.
Tôi ngạc nhiên bởi những nhu yếu phẩm đang buộc phía sau “con ngựa chiến” ấy chỉ là những chai dầu ăn, nước mắm, mì chính, muối và có thêm một ít cá suối, rau rừng… Chưa kịp lên tiếng để thỏa mãn tính tò mò, Thượng úy Hồ Việt Anh cho biết: “Trước đây, khi đồn mới chuyển vào địa điểm mới, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên chưa thể tăng gia được nhiều. Cán bộ đơn vị phải thường xuyên đi chợ để mua thực phẩm. Còn bây giờ, anh em đã quen với đặc điểm khí hậu nơi đây, cải tạo đất đai, đẩy mạnh tăng gia sản xuất nên cơ bản đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Bây giờ chỉ khi nào hết các loại gia vị hoặc ra mua giống cây trồng thì tôi mới ra chợ trung tâm thị trấn. Hôm nay đặc biệt hơn là có thêm cá suối và ít đặc sản rau rừng do dân bản mang đến tổ công tác tặng để tiếp khách”.
Vừa dứt lời, chúng tôi lại tiếp tục lên đường, chinh phục những đoạn đèo dốc quanh co, giữa mênh mông mây ngàn biên cương để đến đồn Biên phòng.
Ươm mầm xanh trên sỏi đá
Vừa vượt qua đỉnh đồi cao, Đồn Biên phòng Hương Nguyên dần hiện ra theo những vòng quay của chiếc xe máy. Mặc dù đóng quân ở khu vực biên giới xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhưng điều làm tôi khá bất ngờ ngay khi đặt chân đến nơi đây, đó là từ cổng doanh trại đã thấy những hàng cây xanh rợp bóng mát, những bông hoa đầy màu sắc như hoa hồng, hoa đỗ quyên, hoa giấy… đang “đùa vui” với nắng ban mai; những tấm pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền được sắp xếp khoa học, xen kẽ với những khóm hoa tạo nên cảnh quan rất hấp dẫn.
Đến thăm khu vực tăng gia của Đồn Biên phòng Hương Nguyên, tôi không khỏi ngạc nhiên và ngưỡng mộ bởi những luống bắp cải, mồng tơi, súp lơ xanh mướt. Đặc biệt hơn, ở đây còn có một luống trồng rau cần nước rộng khoảng 10m. Đây vốn là loại rau quen với khí hậu miền Bắc, nhưng dưới bàn tay chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ nơi đây, rau luôn xanh tốt
Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên chia sẻ: “Đây là loại rau mà cán bộ quê ở ngoài Bắc công tác ở đơn vị mỗi lần về phép mang vào trồng đấy”. Dẫn tôi thăm quan vườn cây ăn quả của đơn vị với nhiều loại khác nhau như: Nhãn, mít Thái, thanh long, chuối, Trung tá Lê Văn Tuấn kể về công sức, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ đã bỏ ra để có một khu tăng gia như thế này: “Vị trí của đơn vị đóng quân chủ yếu là đất sét và sỏi đá, rất ít đất để trồng trọt. Ngay khi mới chuyển đến đây, cán bộ, chiến sĩ đơn vị quy hoạch khu tăng gia, cào lớp sỏi đá mặt trên, chở từng bao đất về trộn ủ với phân bò, phân dê và vôi bột, phân thành từng luống để trồng rau”.
“Khó khăn của đơn vị không chỉ dừng lại ở đó, do thời tiết khắc nghiệt, sương mù quanh năm nên công tác tăng gia gặp rất nhiều trở ngại. Để nâng cao hiệu quả tăng gia sản xuất, hằng năm, đơn vị luôn chủ động xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, tổ, đội công tác cũng như chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp theo mùa. Bên cạnh đó, đơn vị tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng được khu chăn nuôi lợn, bò, dê và gia cầm vừa mang lại nguồn thực phẩm, vừa mang lại nguồn phân bón hữu cơ để trồng rau” - Trung tá Lê Văn Tuấn chia sẻ thêm.
Đến thời điểm hiện tại, Đồn Biên phòng Hương Nguyên đang duy trì 2 vườn rau với diện tích 400m2; 3 khu chuồng trại hơn 1.000m2 chăn nuôi bò, dê, lợn và gia cầm với hàng trăm con. Nhờ chú trọng làm tốt công tác tăng gia sản xuất, đơn vị đảm bảo tự cung, tự cấp thực phẩm sạch cho bếp ăn với hơn 90% rau xanh, 60% thịt, cá các loại.
Mặc dù đóng quân ở xa khu dân cư, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn xem đồn là nhà, biên giới là quê hương để nỗ lực vượt qua khó khăn. Việc đẩy mạnh công tác tăng gia không chỉ đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội, mà còn góp phần giáo dục, rèn luyện tính cần cù và trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Võ Tiến