Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 06:27 GMT+7

Vượt khó tác nghiệp ở khu vực biên giới

Biên phòng - Tác nghiệp ở khu vực biên giới tuy khó khăn, vất vả, nhưng phóng viên sẽ có được rất nhiều thông tin, tư liệu quý giá, giàu hơi thở cuộc sống, từ đó, tạo nên những tác phẩm hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị cho công chúng.

Đại úy Nguyễn Thế Mạnh (người cầm micro) và Thiếu tá Hà Thanh Giang, Phòng Chính trị, BĐBP Hà Tĩnh tác nghiệp tại một điểm chốt trên biên giới. Ảnh: Minh Toàn

Đằng sau mỗi chuyến đi còn là những xúc cảm, dư vị khó quên về những vùng đất còn nhiều gian khó. Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), phóng viên Báo Biên phòng lược ghi những chia sẻ của những người làm báo khi tác nghiệp ở khu vực biên giới.

Nhà báo Viết Tôn, Thông tấn xã Việt Nam: Thêm “chất liệu sống” sau những chuyến đi

Là phóng viên theo dõi lĩnh vực quốc phòng, tôi có duyên nợ với lực lượng BĐBP và đã gắn bó với những chiến sĩ quân hàm xanh nhiều năm qua. Trong những chuyến đi công tác vùng biên giới hay đến với Trường Sa, tôi đều tới thăm các chiến sĩ Biên phòng, những con người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân vì chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tôi còn nhớ năm 2008, khi đến vùng biên giới Hà Giang trong cái rét như cắt da, cắt thịt, vượt qua những cung đường quanh co đèo dốc, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Đồn Biên phòng Bạch Đích. Hay chuyến đi gần đây nhất lên Đồn Biên phòng A Pa Chải, BĐBP Điện Biên, chúng tôi phải đối mặt với tình hình thời tiết mưa lũ, đi lại rất gian nan...

Những lúc ấy, chỉ nghĩ rằng, vượt qua con dốc này, đoạn suối kia là đến được với các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh, ấy vậy là tôi lại cố. Dù vất vả là thế, nhưng cũng không thấm tháp gì với so với những người lính Biên phòng nơi biên cương Tổ quốc.

Sau những chuyến đi ấy, về cơ quan, tôi lại có thêm nhiều tư liệu, hình ảnh, những “chất liệu sống” về con người, công việc của những người lính Biên phòng. Từ những tấm gương bình dị mà cao quý ấy đã cho tôi cảm xúc viết nên những tác phẩm báo chí sinh động về lực lượng Biên phòng. Minh chứng cho điều này là tập sách “Điểm tựa xanh biên cương” với hơn 40 tác phẩm báo chí của tôi chuẩn bị được ra mắt trong thời gian tới để tri ân những người lính mang quân hàm xanh.

Nhà báo Tô Dung, Báo Lào Cai: Biên giới luôn trong trái tim tôi

Gắn bó với nghề báo, lại là người ưa “xê dịch” nên tôi có nhiều lần lên các vùng biên giới Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát... Sau mỗi chuyến đi, tôi càng thêm yêu người lính mang quân hàm xanh đêm ngày giữ vững “phên dậu” của Tổ quốc.

Với tình yêu nghề, yêu biên giới, tôi luôn đi đến những vùng biên giới xa xôi để sống cùng với “nhịp đập” biên giới. Tôi đã từng đi tuần tra cùng các chiến sĩ trong mưa tuyết với nền nhiệt dưới 0 độ C; từng ngược biên giới dọc sông Hồng những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để kịp thời phản ánh hoạt động của BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Tôi nhớ mãi những lần cùng các anh BĐBP vượt đường rừng để đến với điểm chốt, nhớ những lần ngồi trong chốt kiểm soát dịch Covid-19 căng bằng bạt dã chiến mà cơn mưa rừng ào về bất chợt thổi tung lều bạt, khiến người bị ướt lạnh đến thấu xương...

Người thân trong gia đình, bè bạn vẫn cứ bảo, những nơi hiểm nguy, vất vả ấy nên dành cho “cánh mày râu”. Vậy nhưng, tôi luôn nghĩ khác, đã dấn thân với nghề là không quản nguy nan. Mỗi lần đến với các đồn Biên phòng, nhìn dòng chữ “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, tôi luôn thấy thân thuộc và bình yên. Mỗi lần vượt qua những gian nan trong nẻo đường tác nghiệp, tôi lại được hiểu hơn về những người lính với những hy sinh thầm lặng mà cao cả của họ - những người luôn “thức cho dân ngủ”, giữ gìn từng tấc đất quê hương.

Nhà báo Hiếu Anh, Báo Dân tộc và Phát triển: Viết báo vùng biên, “lãi” nhất là tình người

Làm báo viết về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tôi lại nhận được những “đặc ân” - đó là tình cảm ấm áp của đồng bào miền núi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in chuyến công tác vào xóm Ngay, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vào tháng 2/2015. Khi đi từ trung tâm xã vào xóm Ngay, trời đã nhá nhem tối; trong khi đó, xe của chúng tôi đã cạn kiệt xăng không thể nào di chuyển được.

Thật may mắn, khi đó chúng tôi gặp được Trưởng xóm Ngay - ông Bùi Văn Khoa, cùng những người dân xứ Mường hồn hậu. Đêm đó, chúng tôi được đồng bào mời về nhà nghỉ ngơi. Sáng ra, Trưởng xóm Bùi Văn Khoa còn hút xăng từ xe của ông đưa cho chúng tôi để quay về trung tâm xã.

Hay như chuyến công tác của tôi về với vùng biển, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), tàu vừa cập bến, tôi được một bác lái xe tuổi ngoại ngũ tuần chất phác chở đi. Khi biết tôi đi công tác tại Đồn Biên phòng Lý Sơn, BĐBP Quảng Ngãi, người dân đã không lấy tiền, dù họ không dư giả gì. Thế mới thấy tình cảm của bà con xứ đảo với cán bộ Biên phòng trân quý biết nhường nào.

Những tình cảm đó chính là những sợi dây liên kết vô hình mà bền chặt của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo với những nhà báo đang miệt mài tác nghiệp ở khắp mọi miền Tổ quốc. Dẫu biết rằng, những món nợ ân tình là điều mà suốt cuộc đời làm báo của chúng tôi khó mà trả hết. Nhưng có lẽ, những bài báo đó đang góp phần đổi thay những phận người vất vả, những bản làng khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa nhất.

Trung úy Nguyễn Thành Chung, phóng viên Báo Biên phòng: Mỗi chuyến đi đều mang đến nhiều trải nghiệm

Là phóng viên trẻ về Báo Biên phòng từ cuối năm 2017, trong gần 5 năm qua, tôi đã có dịp đi tác nghiệp tại các đơn vị BĐBP trên 3 miền của đất nước, mỗi chuyến đi đều mang lại nhiều trải nghiệm. Hiện nay, giao thông, phương tiện đến hầu hết các đơn vị BĐBP đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây.

Tuy nhiên, có những địa bàn xa, đi lại rất vất vả như huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) hay huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Từ đơn vị đến địa bàn các thôn, bản vùng cao, chúng tôi thường gặp nhiều khó khăn trong đi lại hơn, nếu như trời mưa to thì gần như không thể di chuyển được.

Còn để đến được các đảo tiền tiêu trên vùng biển biên giới Tây Nam như đảo Hòn Chuối, Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau), chúng tôi cũng gặp phải nhiều khó khăn trong di chuyển. Do không có phương tiện giao thông công cộng ra đảo nên chỉ có thể đi nhờ tàu cá của ngư dân, nhưng nếu biển động, thời tiết cực đoan, chúng tôi không thể di chuyển ra đảo hoặc từ đảo trở về đất liền...

Giao thông cách trở, thời tiết khắc nghiệt trên mỗi miền biên giới là những thử thách không nhỏ đối với phóng viên trong quá trình tác nghiệp, đòi hỏi phải chuẩn bị tốt về tinh thần và nền tảng thể lực trước mỗi chuyến đi.

Khó khăn là vậy, song khi được tận mắt chứng kiến những việc làm thường ngày của những người lính Biên phòng trong điều kiện khó khăn, gian khổ, đó chính là động lực để phóng viên cho ra đời những tác phẩm chất lượng phục vụ bạn đọc.

Thùy Trang (thực hiện)

Bình luận

ZALO