Biên phòng - “Chiến thắng Tây Bắc trở thành một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là niềm tự hào to lớn không chỉ của quân và dân các dân tộc Tây Bắc, mà còn của cả thế hệ chúng tôi - những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Bắc 1952” - Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên sĩ quan tác huấn Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 trong Chiến dịch Tây Bắc, nguyên Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự chia sẻ với chúng tôi nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022).
Thu - Đông năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân, phá âm mưu chiếm giữ Tây Bắc để khống chế căn cứ địa Việt Bắc, chia cắt chiến trường trong cả nước với chiến trường Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch, sau gần 2 tháng (từ ngày 14/10 đến 10/12/1952), trải qua 3 đợt chiến đấu, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Tây Bắc 1952, giải phóng gần 30.000km2 đất đai, trên 25 vạn dân, tạo nên dấu mốc quan trọng trong tiến trình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đã ngoài 90 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh vẫn còn nhớ rất rõ công tác chuẩn bị chiến trường đánh Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc. Ông kể: “Vào một buổi sáng, Đại đoàn 308 tổ chức hội nghị chuẩn bị đi chiến dịch thì bất ngờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến. Tay Bác cầm gậy, ống quần xắn cao.
Bác kể: Trời mưa to, nước suối lũ lớn. Đứng trước dòng suối chảy mạnh, Bác nghĩ cần phải sang ngay. Nếu không, các chú phải chờ, mất thời gian. Thế là Bác cùng mấy chú đi cùng quyết tâm cởi quần áo ngoài, tay sào, tay gậy lần sang. Thấy vậy, số đồng bào đứng bên kia bờ cũng quyết tâm lội và sang được. Đó là bài học cho các chú. Bất kỳ việc gì, dù to hay nhỏ, nếu mình có quyết tâm thì làm được và còn lôi cuốn những người khác cũng quyết tâm như mình. Quyết tâm! Đã bao lần chúng ta nói hai tiếng đó, nhưng khi nghe Bác khái quát hai tiếng đó thành bài học, chúng tôi mới thấy sức mạnh của nó to lớn như thế nào”.
Sau hội nghị, đoàn cán bộ Đại đoàn 308 chia làm hai bộ phận đi thành hai hướng, theo phương án tác chiến sơ bộ đã được Bộ Chỉ huy Đại đoàn ấn định. Một bộ phận tiến vào Nghĩa Lộ, hướng chủ yếu của chiến dịch. Một bộ phận tiến sang cánh trái nhằm đồn Cửa Nhì. Bộ phận chuẩn bị chiến trường Nghĩa Lộ do đồng chí Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy.
Tới gần vùng đất địch đang khống chế, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 đã triệu tập cuộc họp chi bộ để xác định quyết tâm vượt qua các khó khăn, trở ngại mới, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ yêu cầu: “Bằng mọi cách ta phải thắng mọi khó khăn, nguy hiểm, vào được Nghĩa Lộ, phải vào tận hàng rào thứ nhất, hàng rào thứ hai quan sát, điều tra kỹ lưỡng. Sau đó, mỗi người chúng tôi được chia 6 nắm cơm tiếp tục hành quân”.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh kể tiếp: “Từ đây, mọi hoạt động của ta phải hết sức thận trọng, đi phải xóa các vết chân, nghỉ phải quan sát từng gốc cây, ngọn cỏ. Chúng tôi mải miết đi, khắc phục khó khăn vượt đèo Khau Vác hiểm trở, nhiều chỗ dựng đứng. Đến dưới chân đèo, tổ quân báo đi đầu gặp được đồng chí Sinh, Phó Bí thư Huyện ủy Văn Chấn và các cán bộ quân, dân, chính, đảng. Được sự hướng dẫn của cán bộ và các chiến sĩ địa phương, đoàn chúng tôi đi theo con đường hươu chạy xuống núi, vượt qua suối Nặm Mười tới sát nách thị trấn Nghĩa Lộ. Đúng ngày thứ 6 kể từ đêm vượt sông Thao, cả đoàn đã đặt chân lên chân mỏm núi đặt đài quan sát, chiếu ống nhòm nhìn xuống toàn khu vực quyết chiến điểm”.
Sau khi nghiên cứu xong cách bố phòng của địch, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ giao cho Trung đoàn 102 đảm nhiệm đánh Pú Chạng, Trung đoàn 88 chịu trách nhiệm đánh Nghĩa Lộ phố ngay sau khi đồn Pú Chạng bị tiêu diệt. Từ nhiệm vụ được phân công, các cán bộ Trung đoàn 102, Trung đoàn 88 đã tăng cường xâm nhập hàng rào của các cứ điểm để trinh sát, xem xét và dự định phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc quyền.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh vẫn còn nhớ rõ: “Cán bộ hai đoàn chuẩn bị chiến trường đã lao vào công việc thông qua kế hoạch chiến đấu, đắp sa bàn phổ biến kế hoạch cho bộ đội từng cấp trung đội trở lên thảo luận, bổ sung, quán triệt từng điểm một. Tất cả được tiến hành dưới cơn mưa tầm tã cuối thu Tây Bắc. Bài học “quyết tâm” lại vang vọng trong mỗi chúng tôi - những người lính Cụ Hồ”.
Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, nhiều đồng đội tôi đã nằm sâu trong lòng đất mẹ khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhiều người trở về với thân thể không còn lành lặn. Mỗi lần nhớ lại, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động trước những gì mà tôi cùng đồng đội đã trải qua. “Chuyến công tác” chuẩn bị chiến đấu đánh Nghĩa Lộ ấy như vừa mới xảy ra hôm qua”.
Vào lúc 17 giờ 5 phút, ngày 17/10/1952, bộ đội ta bắt đầu tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ. Trung đoàn 102 tiến công cứ điểm Pú Chạng - nơi đặt sở chỉ huy phân khu của địch. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch, thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng.
Hơn 3 giờ sáng ngày 18/10/1952, Trung đoàn 88 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Địch dựa vào hầm ngầm, lô cốt kiên cố chống cự, nhưng với sức tiến công mạnh mẽ, áp đảo, chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí chiến lợi phẩm. Đến 5 giờ 30 phút, ngày 18/10/1952, hai cứ điểm kiên cố nhất của phân khu Nghĩa Lộ đã bị xóa sổ.
Đêm 18/10/1952, quân ta tiếp tục tiến công vị trí Cửa Nhì, tiêu diệt và bắt sống gần 250 tên địch. Bọn địch ở Gia Hội vội rút lên Tú Lệ và tháo chạy sang Sơn La, Sư đoàn 312 bám sát truy kích địch, tiêu diệt và bắt giữ gần 400 tên. Nghĩa Lộ và các xã trong huyện Văn Chấn được hoàn toàn giải phóng.
Xuân Hương