Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 07/06/2023 10:21 GMT+7

Vượt biên sang Trung Quốc làm thuê và hệ lụy khôn lường

Biên phòng - Những năm gần đây, trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang có nhiều người dân vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Đặc biệt, vào thời điểm khi mùa màng đã thu hoạch xong, hay những tháng cận Tết, số người vượt biên sang Trung Quốc tìm việc làm ngày một tăng. Với mong ước đổi đời nơi xứ người, không ít người dân đã liều "đánh bạc" với số phận, để rồi hứng chịu những hậu quả cay đắng, thậm chí mất mạng nơi đất khách.

h9fy_6b
Được sự vận động và hướng dẫn của Đồn BP Lũng Cú, gia đình Sùng Chá Lùng đã tích cực chăn nuôi để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ảnh: Kim Nhượng

Cay đắng ngày trở về

Đến công tác ở Đồn BP Lũng Cú, BĐBP Hà Giang để tìm hiểu tình trạng người dân khu vực biên giới vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, chúng tôi xuống địa bàn được trực tiếp gặp những người bị vắt kiệt sức lao động trở về quê hương. Trong số người đó có Sùng Chá Lùng, 28 tuổi và vợ Giàng Thị Hờ, 26 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 gian, trình tường đất đỏ theo tập tục cổ của người Mông, Sùng Chá Lùng kể lại: "Năm 2013, hai vợ chồng mình vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê tại xưởng sản xuất bìa cát tông. Hơn 3 tháng lao động ở đây, chủ xưởng không trả cho vợ chồng mình đồng nào. Thế là hai vợ chồng mình bỏ về, khi tới khu vực giáp biên giới thì bất ngờ có 2 người Trung Quốc lạ mặt dùng gậy, dao đuổi đánh mình, bắt vợ mình đi. Nhìn những kẻ xấu bắt cóc vợ, nhưng mình phải ngậm đắng nuốt cay, bất lực nhìn chúng nó bắt vợ đi".

 Giàng Thị Hờ bị những kẻ xấu bắt cóc và bán cho một người đàn ông Trung Quốc tại thôn Tả Phìn, Ma Lý Pho, Vân Nam, Trung Quốc với giá 2 triệu đồng. Hơn 2 năm sống khổ sở nơi đất khách quê người, lợi dụng lúc nhà chồng sơ hở không quản lý, Giàng Thị Hờ đã bỏ chạy về Việt Nam.

Trường hợp của Thào Mí Dó, 19 tuổi, dân tộc Mông, trú tại thôn Tả Kha, thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn cũng thật đáng thương. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, học tới lớp 6 thì Thào Mí Dó bỏ học vượt biên theo các con đường mòn sang Trung Quốc làm thuê. Thào Mí Dó vào tận trấn Quảng Đông trồng thuê cây cao su, cây keo. Công việc cực nhọc nhưng chỉ nhận được đồng lương bèo bọt, lại bị đối xử, ngược đãi nên Thào Mí Dó quyết định bỏ việc, bị chủ đồn điền quỵt cả tiền lao động. Đó chỉ là 2 trong nhiều trường hợp vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê trở về trong cay đắng.

Nâng cao nhận thức và cải thiện đời sống cho người dân

Nhiều năm trở lại đây, các đơn vị BP đóng quân trên địa bàn biên giới thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là những địa bàn trọng điểm, sát biên giới, có nhiều gia đình có con em vượt biên sang bên kia biên giới làm thuê. Đồn BP Lũng Cú đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất. Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn BP Lũng Cú cho biết, đơn vị quản lý, bảo vệ 26,343km đường biên giới, 28 cột mốc, trong đó, 18 mốc chính và 8 mốc phụ với 2 xã biên giới, Ma Lé và Lũng Cú, có 21 thôn thì 13 thôn giáp biên giới, với 11 dân tộc anh em sinh sống, dân tộc Mông chiếm 85%.

Vấn đề người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê trong các xưởng máy, đồn điền cao su là một vấn đề phức tạp, có tháng lên tới 228 lượt người. Qua tìm hiểu được biết, do đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tâm lý mùa vụ nông nhàn muốn kiếm thêm thu nhập nên đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Hơn nữa, nhiều chủ xưởng, chủ đồn điền Trung Quốc thường xuyên mời chào với mức lương hấp dẫn, cao hơn mức lương lao động tại địa phương dẫn tới người dân tự ý vượt biên trái phép qua biên giới làm thuê.

Qua trao đổi, Thượng tá Phạm Ngọc Thủy cho biết: Trong thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các Đội trinh sát, vận động quần chúng, thường xuyên xuống địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân để nắm tình hình, đồng thời tuyên truyền cho bà con hiểu được về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đồn còn cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, từ đó đưa ra những giải pháp cho phù hợp. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là phải giải quyết công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn biên giới. Đồn BP Lũng Cú đã lập kế hoạch xây dựng mô hình "5 cây, 3 con" để hỗ trợ, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế. Đến nay, 1 xã và 11 thôn đã được cán bộ Biên phòng giúp áp dụng mô hình thu được kết quả tích cực. Con ong và con dê là được bà con nuôi nhiều nhất và đem lại hiệu quả kinh tế cao, không những phân phối trên địa bàn trong tỉnh, mà còn bán cho các doanh nghiệp thu mua mật ong và khách du lịch.

Hiệu quả nhất phải nói đến dự án bò và dê sinh sản luân chuyển. Trong đó, tại thôn Thèn Vàn, ban đầu đồn BP tặng 16 cặp bò giống, chỉ sau một thời gian ngắn đã sinh sản được 29 con, luân chuyển các chú bê con cho gia đình khác và cứ thế, mỗi lần cặp bò sinh sản thì một hộ dân lại nhường lại cặp bò giống cho hộ dân khác. Cứ thế, đàn bò trong thôn phát triển ngày một nhiều, giúp bà con nâng cao đời sống. Dê cũng được nuôi thí điểm tương tự. Tại thôn Mã Lũng, chỉ có mấy chục cặp dê giống do đồn BP trợ cấp ban đầu, người dân trong thôn đã tự giác thay phiên, luân chuyển dê giống. Đến nay đã có nhiều gia đình nhờ luân chuyển chăn nuôi dê đã đạt tới cả trăm con.

Những mô hình kinh tế hiệu quả của những người lính Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc đã giúp đỡ người dân nơi biên giới có công ăn việc làm ổn định, đời sống của bà con ngày một nâng cao, từ đó họ giảm hẳn việc vượt biên trái phép qua biên giới làm thuê.

Kim Nhượng

Bình luận

ZALO