Biên phòng - Vượt đèo Khuôn Giềng cao chót vót, hai bên là những rừng cây xanh mướt, sau 1 giờ vật lộn với quãng đường rừng, tôi đến đầu thôn Khuổi Lếch, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Nơi này đánh dấu sự ra đời của làng Việt Minh và thôn Khuổi Lếch chính là nơi che chở cho Hồ Chủ tịch khi Người về đây hoạt động cách mạng. Giờ đây, Khuổi Lếch có các hộ người Dao sống xen lẫn người Kinh lên khai hoang, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng bà con luôn nỗ lực vượt khó để xây dựng cuộc sống mới.
|
Anh Lý Văn Cảnh bên ao cá của gia đình. |
Người chúng tôi gặp đầu tiên là anh Lý Văn Cảnh... Hồi chiến tranh biên giới, Cảnh ở tổ thông tin Trung đoàn 122, tôi ở Đoàn 821 trinh sát Đặc công, hai tổ chốt gần nhau ở điểm cao 1545, Vị Xuyên, Hà Giang. Hỏi chuyện biết Cảnh đồng hương Tuyên Quang. Rồi đơn vị tôi chuyển đi địa bàn khác, từ đó đến nay đã gần 40 năm trôi qua, tôi chuyển ngành, nên chẳng gặp ai! Hôm nay, tình cờ gặp lại, mừng rơi nước mắt. Cảnh bảo: "Người Dao mình đến bữa gặp cơm là ăn, gặp việc làm việc”. Chỉ sau giây lát, cơm được dọn lên giữa gian nhà rộng rãi thoáng đãng, rồi câu chuyện cũng nở ra từ trong mâm cơm.
Cảnh tâm sự: "Từ ngày ra quân đến giờ, chỉ làm ruộng, chẳng phát rừng, làm nương nữa. Chính phủ cấm không được phá rừng làm nương, càng phải chấp hành nghiêm. Người Dao ở Khuổi Lếch vẫn một lòng đi theo Đảng, nghe lời Bác dạy. Bà con tích cực khai phá đất bằng, xây đắp mương phai đưa nước về đồng ruộng gieo cấy lúa màu, không phát rừng đốt nương, mà phải trồng rừng bảo vệ rừng, tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm... tận dụng khai phá đất hoang, cải tạo đất cũ cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn”.
Tôi hỏi Cảnh: Nhà có hồ, ao không? Cảnh đáp: Có chớ, một hồ, diện tích 7 sào, cơm xong mời anh lên thăm trang trại nhé!
Chúng tôi không nghỉ trưa mà đi ngay lên trang trại. Ngồi sau xe máy của Cảnh, có lúc tôi thấy thót tim, bởi đường đi toàn ổ gà, ổ trâu, lúc thì leo dốc, lúc lại lao xuống suối. Cảnh đưa tôi thăm quanh hồ và bảo, hồ này mỗi năm thu được 50 triệu đồng từ tiền bán cá. Năm nay dự tính sẽ thu 70 triệu đồng, vì thả nhiều, cùng với được chăm sóc, bảo vệ tốt cho cá. Ít ruộng thì nuôi cá, nuôi lợn, nuôi trâu, nuôi dê và gia cầm... mỗi năm, Cảnh cũng thu trên trăm triệu đồng. Cảnh xây được ngôi nhà 2 tầng, khang trang rộng rãi thoáng mát, mua sắm đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình cũng từ chỗ này mà ra. Cảnh nói với tôi: Ở Khuổi Lếch này, có rất nhiều nhà người Dao làm ăn khá, ngoài nuôi gia súc, gia cầm, họ còn phát triển nuôi ong, nuôi nhím... Nhà anh Lý Văn Phong, dân tộc Dao Coóc Mùn, là hộ tiêu biểu của thôn về làm kinh tế theo mô hình nuôi ong, nuôi nhím. Trước kia, nhà anh Phong nghèo lắm, từ ngày nuôi nhím, nuôi ong khá lên hẳn...
Tôi giục Cảnh đưa tôi đến thăm nhà anh Phong. Vừa đến nhà, anh Phong cũng vừa phóng xe máy từ núi về thồ đầy ắp thức ăn cho nhím. Tôi lách vào chuồng xem nhím, mỗi ngăn anh thả 2 đôi, có ngăn thả 3 đôi. Tôi đếm nhanh được 16 con, trong đó, có chục con lớn khoảng từ 9 đến 12kg mỗi con, con nhỏ độ 3kg mỗi con. Anh Phong bảo, năm nay nuôi nhím lỗ! Tôi hỏi: Sao lại lỗ? Anh nói: Vì năm nay con giống đắt, giá nhím thịt lại rẻ. Nhím phát bệnh tật nhiều. Hiện giá nhím đang bán 160 nghìn đồng/kg, lại ít khách mua, năm trước giờ này thương lái kéo nhau về đặt hàng, giá lại cao, không có nhím để bán.
Tuy thất thu ở chuồng nhím, anh lại được mùa mật ong. Hiện, anh Phong đang nuôi trên 30 tổ ong, mỗi vụ anh bán gần 500kg mật, thu về trên dưới 80 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, nuôi cá, mỗi năm thu 130 triệu đồng... Không riêng gì gia đình anh Phong, anh Cảnh... mà nhiều gia đình người Dao ở Khuổi Lếch cũng đang cố gắng vươn lên phát triển kinh tế theo mô hình nuôi ong, nhím, gia súc, gia cầm, xóa đói giảm nghèo, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ trật tự an ninh ở địa phương.
Anh Bàn Hậu, con của một cố lão thành cách mạng kể cho tôi nghe những câu chuyện của người Dao ở Khuổi Lếch, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Nhật, nơi đây cũng là cái nôi cách mạng. Anh kể: Gia đình tôi là cơ sở nuôi giấu bảo vệ cách mạng. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, bác tôi là ông Bàn Văn Báo được bầu làm Trưởng ban Việt Minh xã Trung Trực. Bố tôi được phân công làm liên lạc viên chuyển thư báo, tài liệu mật cho cán bộ cách mạng thường vào vai người đi câu cá và săn thú rừng, nên bọn Việt gian không nghi ngờ. Ông thường hoạt động ở các địa bàn từ xã Trung Trực, đi Kiến Thiết, Trung Minh, Hùng Lợi, Làng Cóc, vượt đèo Nang, sang xã Phúc Chu, Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ông Báo là cán bộ lãnh đạo chung ở xã Trung Trực, thi thoảng lại vượt đường rừng đi họp, chủ yếu đi vào buổi đêm, thường sắm khẩu súng kíp, đèn ló giả bộ đi săn... Họp xong, ông lại đi theo đường rừng về, gặp thú rừng ông săn đem về làm thịt để đánh lạc hướng bọn Việt gian. Sau năm 1945, bố tôi được cử làm giáo viên dạy học các lớp bình dân học vụ, do xã tổ chức.
Trung Trực là xã vùng 135 của huyện Yên Sơn, có tổng diện tích gần 3.200ha, trong đó, đất lâm nghiệp trên 2.74ha, nông nghiệp trên 293ha và một số diện tích đất trồng cây ăn quả như bưởi đường, vải, hồng, quất, chuối... với trên 2.200 nhân khẩu, 520 hộ, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Hoa, Cao Lan, Mông, Thái, Kinh... Mấy năm nay, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân phần nào được cải thiện. Khuổi Lếch là thôn tiền khởi nghĩa cách mạng năm xưa, nhưng lại khó khăn và ít diện tích đất sản xuất nhất. Người Dao ở đây rất hiền lành, thật thà chất phác, cần cù chịu khó chịu thương.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, đồng bào Dao ở Khuổi Lếch đã tự vượt lên khó khăn vất vả không để đói nghèo đeo bám như ngày xưa. Tôi chợt nhớ câu nói của anh Lý Văn Cảnh: Người Dao ta ở Khuổi Lếch đã tự mình vươn lên làm ăn chân chính, thế mới là sinh ra trên đất cách mạng chớ.