Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 06:18 GMT+7

Vươn lên cùng đất nước

Biên phòng - Dẫu vẫn còn những khoảng cách xa xôi về mặt địa lí, song trên biên cương hôm nay, những bản làng của bà con các dân tộc bình yên đã và đang đổi thay từng ngày với những con đường trải nhựa, công trình thủy lợi dẫn nước về chân ruộng hay những công trình điện đưa ánh sáng về thôn bản...

lc05_6a-1.jpg
BĐBP Gia Lai giúp nhân dân biên giới xây dựng Mái ấm biên cương. Ảnh: Lê Đồng
 
Nhiều năm qua, theo bước chân của những người lính Biên phòng, đã có biết bao công trình hạ tầng cơ sở, dân sinh đầy nhân văn được thực hiện đang ngày một nhiều thêm, góp phần tạo dựng niềm tin, sự nỗ lực vươn lên cho cộng đồng các dân tộc nơi biên giới, hải đảo.

Công trình nhỏ,  ý nghĩa lớn

Kế thừa tư tưởng "Biên phòng hảo vị trù phương lược" của cha ông kết hợp với thực tiễn 56 năm xây dựng, chiến đấu, công tác, lực lượng BĐBP khẳng định, muốn quản lí, bảo vệ biên giới vững chắc thì phải chăm lo, xây dựng, củng cố biên giới vững mạnh về mọi mặt. Năm 1994, Đảng ủy BĐBP đã ra Nghị quyết 24/NQ-ĐU về việc "Tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, góp phần từng bước nâng cao đời sống, khai thác tiềm năng kinh tế biển của BĐBP".

Theo đó, toàn lực lượng BĐBP từ Trung ương tới đơn vị cơ sở đều phải tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và trình độ dân trí cho đồng bào, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh...

Nhớ lại những ngày đầu tham gia phát triển kinh tế-xã hội cho địa bàn biên giới, Đại tá Phùng Việt Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần - Kĩ thuật BĐBP cảm thấy hết sức tự hào: "Hồi đó, nhiệm vụ đặt ra thì rất lớn mà đã là bộ đội thì làm kinh tế không giỏi. Chúng tôi là những con người làm nhiệm vụ hậu cần nên rất hiểu "Có thực mới vực được đạo". Chúng tôi mạnh dạn tham mưu cho Bộ Tư lệnh khai thác tất cả các nguồn đầu tư ở trong nước, thế mạnh tiềm năng tại chỗ. Chúng tôi đi thẳng vào nhân dân, cùng nhân dân bàn bạc và triển khai, xây dựng công trình nho nhỏ thôi nhưng ý nghĩa lớn. Từ thành công bước đầu, chúng tôi đúc rút kinh nghiệm để làm việc với các bộ, ngành và đề xuất với Bộ Tư lệnh để làm tiếp những việc lớn hơn".

Từ đó đến nay, toàn lực lượng đã thực hiện thành công 307 dự án kinh tế - xã hội ở 44 tỉnh, thành và đơn vị trực thuộc với tổng số vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 26 dự án đường giao thông, 49 dự án cấp điện, 137 dự án nước sạch, 19 dự án chăn nuôi, 15 dự án định canh định cư và sắp xếp ổn định dân cư, 16 dự án trồng rừng... Chỉ tính riêng các dự án về cung cấp nước sạch, những người lính Biên phòng đã bảo đảm nước sạch cho hơn 140.000 người, nâng cao sức khỏe cho bộ đội và nhân dân vùng dự án, tránh được một số căn bệnh do nước không bảo đảm vệ sinh gây ra.

Với tiến trình khảo sát, lập dự án khoa học, đề cao giá trị sử dụng thực tế, thi công nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng công trình, hầu hết các dự án có bàn tay của người chiến sĩ Biên phòng đã và đang phát huy được hiệu quả trong thực tế, bảo đảm cho hàng chục vạn người dân trên các vùng biên giới được hưởng lợi, chính quyền địa phương đánh giá cao.

Cho biên cương gần lại

Chúng tôi đến với huyện biên giới Quản Bạ vào một ngày đầu năm 2015. Ngồi trên xe, Thượng tá Vũ Văn Định, cán bộ Phòng Hậu cần, BĐBP Hà Giang kể lại những chuyện xảy ra từ 10 năm trước. Ngày ấy, đường trên cao nguyên đá Hà Giang chỉ là những con đường rải đá cấp phối chạy dọc theo vách núi. Nhưng hôm nay, những đồn, trạm BP, bản làng vốn bao năm xa cách với miền xuôi nay bỗng trở nên gần lại nhờ những con đường liên xã, liên thôn do BĐBP Hà Giang làm chủ dự án.

Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Quản Bạ, với 59,309km đường ô tô các loại được hoàn thành trong 5 năm trở lại đây đã thật sự tạo nên một diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn miền núi này. Nhân dân 8 xã biên giới nơi đây từ khi có đường, việc giao lưu làm ăn kinh tế, các cháu nhỏ đi học, người lớn lên nương rẫy cũng dễ dàng, thuận lợi hơn.

Hiện nay, tuyến đường giao thông dài 11km trên vùng núi cao, hiểm trở nhất ở xã Cao Mã Pờ vừa mới hoàn tất và chuẩn bị bàn giao. Ông Viên Quang Trương, Chủ tịch UBND xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đánh giá rất cao ý nghĩa của công trình giao thông này, bởi nó không những phục vụ dân sinh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội cho nhân dân huyện Quản Bạ nói chung và cho 5 xã biên giới của huyện nói riêng, mà còn hết sức quan trọng đối với nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, tạo thành thế phòng thủ vững chắc và cụm chiến đấu liên hoàn giữa các xã biên giới.

Những ngày này, người dân xã Trịnh Tường lại rộn ràng niềm vui quảy hạt, xuống đồng. Trong không khí ấy, cụ Phàn Phù Lìn, người có công xẻ núi dẫn nước về bản Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vẫn thường ra đồng ngắm cháu con và dân bản gieo trồng giống lúa mới. Lòng người già vui khi thấy quê hương đang mỗi ngày một ấm no, phát triển. Trước đây, Trịnh Tường là xã thuần nông, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng lại thiếu nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nên kinh tế còn nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lập dự án, triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi để đưa nước phục vụ canh tác và sinh hoạt cho người dân với tổng số vốn gần 15 tỷ đồng. Chỉ trong 5 tháng thi công, BĐBP Lào Cai cùng nhà thầu xây dựng đã hoàn thành công trình thủy lợi Trịnh Tường tuyến kênh bê-tông kiên cố dài hơn 7km chạy qua 3 thôn và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Từ khi dự án đi vào vận hành đến nay đã phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa và chuối cao sản trong vùng, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt và hệ thống ao hồ cho các hộ dân trong vùng dự án, chấm dứt hiện tượng mất đoàn kết và tình trạng di dân do thiếu nước trong vùng. Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường nói với chúng tôi rằng, ông tin tưởng đây là bước khởi đầu để người dân trong xã bước ra khỏi cái cảnh thiếu gạo mùa giáp hạt và hơn nữa là tiền đề bà con thoát ra khỏi nền kinh tế tự cung tự cấp.

Ngoài dự án trên, hiện, BĐBP Lào Cai và Phòng Kinh tế BĐBP đã và đang tiếp tục hoàn thành các công trình hạ tầng cơ sở khác tại các huyện khó khăn như Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai... góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở những địa phương này.

Tương tự như Lào Cai, tỉnh Thanh Hóa cũng là một địa phương được đầu tư đồng bộ về hạ tầng cơ sở cùng các công trình phục vụ dân sinh do BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư. Mới đây, dự án "Đưa điện lưới quốc gia về xã Mường Lý" do BĐBP tỉnh phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Hóa thực hiện đã mang lại niềm vui và nguồn sáng cho hàng trăm hộ dân thuộc 16 bản của xã Mường Lý, huyện Mường Lát.

Được nhìn thấy ánh điện sáng lung linh là ước mơ bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Nhờ có điện, bà con được sử dụng các phương tiện thông tin, nhiều kinh nghiệm sản xuất được học hỏi, áp dụng, qua đó góp phần thay đổi nếp sinh hoạt, nâng cao mức sống cho bà con vùng sâu, vùng xa. Khi đêm xuống, học sinh không còn phải nhọc nhằn đếm từng con chữ dưới ánh đèn dầu leo lét. Đây cũng là một trong số 34 dự án cấp điện được triển khai hiệu quả của lực lượng BĐBP trong những năm qua.

Đặc biệt, các chương trình định canh định cư, xây dựng cụm kinh tế và thực hiện các dự án điều chỉnh, sắp xếp ổn định dân cư ở khu vực biên giới cũng là một trong những thành công đáng khích lệ mà Phòng Quản lý kinh tế BĐBP đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh và trực tiếp tham gia triển khai dự án. Gần đây nhất là các dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc Đan Lai ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An và đồng bào dân tộc La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng đã tạo nên những điểm sáng trên biên giới hôm nay.

Việc di dời nhân dân từ những vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn ra định cư tại những nơi có điều kiện tốt hơn đã giúp cho dân tộc La Hủ và tộc người Đan Lai có cơ hội vươn lên thoát khỏi tình trạng suy thoái nòi giống, ổn định cư trú trong những ngôi nhà kiên cố và canh tác trên những thửa ruộng mới khai hoang…

Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh BĐBP cho biết: "Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Để đảm bảo đất nước phát triển bền vững, quân đội ta khẳng định cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Trong chủ trương chung này, lực lượng BĐBP đã và đang đề ra những hoạt động cụ thể nhằm đưa biên cương chuyển mình để hội nhập cùng cả nước và trở thành điểm sáng đón chào bạn bè khắp muôn phương đến với Việt Nam".
Ngân An

Bình luận

ZALO