Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Vững vàng thế trận lòng dân

Biên phòng - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Trong nhiều năm qua, học tập và vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia (ANBGQG).

6125_5b
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng hoa các đại biểu người có uy tín tiêu biểu toàn quốc, tại Chương trình tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, năm 2018. Ảnh: Trần Đức

Xây dựng cột mốc lòng dân

Nước ta có đường biên giới trên đất liền dài 4.924,025km, bờ biển dài 3.269km. Khu vực biên giới gồm 1.109 xã, phường/235 huyện, thị/44 tỉnh, thành phố; với dân số khoảng 2,3 triệu hộ/9,5 triệu nhân khẩu, có 51 thành phần dân tộc và 6 tôn giáo lớn (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao đài, Hòa Hảo, đạo Hồi).

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Biên giới, biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBGQG luôn được xác định là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBGQG, ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 16-HĐBT lấy ngày 3-3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân. Năm 2003, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Biên giới quốc gia; trong đó, quy định chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch tập trung xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quán triệt và xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân. Trong công tác tuyên truyền, vận động, MTTQ các cấp đã phối hợp với BĐBP tổ chức các lớp phổ biến hiệp định, quy chế về quản lý biên giới, lịch sử đường biên, mốc quốc giới, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Thông qua đó làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người dân về quản lý, bảo vệ biên cương bờ cõi đất nước. MTTQ các cấp còn hướng dẫn, tổ chức cho đồng bào các dân tộc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng làng, bản, gia đình, dòng họ văn hóa. Đồng thời còn xây dựng và thực hiện các mô hình có hiệu quả, như: “Gia đình người Mông văn hóa”; “Dòng họ gương mẫu”; “Thôn bản không có hoạt động tôn giáo trái pháp luật”; “Thôn không có người vi phạm pháp luật”.

4jns_5a
Đồng chí Trần Thanh Mẫn và Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Bằng khen của Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân giai đoạn 2009-2019. Ảnh: Bích Nguyên

Quán triệt phương châm “mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới, MTTQ các cấp phối hợp với BĐBP và chính quyền địa phương triển khai thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBGQG, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, như: “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, “Tự quản về an ninh trật tự xóm, bản biên giới”, “Tàu thuyền, bến bãi an toàn”, “Thanh niên xung kích bảo vệ đường biên”, “Người phụ nữ vì biên giới”...

Đến nay, trên các tuyến biên giới đã có gần 50.000 gia đình tham gia Tổ tự quản và hơn 60.000 hộ dân đăng ký tham gia tự quản hơn 4.200km đường biên giới với 3.141 mốc quốc giới. Trên tuyến biên giới biển, hàng ngàn ngư dân đã đăng ký tham gia 3.219 Tổ tàu thuyền đoàn kết; duy trì hiệu quả 463 Bến bãi và 173 Tổ sản xuất an toàn...

Toàn dân đoàn kết hướng về biên giới, biển, đảo

Để tăng cường và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở các xã, phường biên giới, biển đảo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều chương trình, hành động huy động toàn dân hướng về biên giới, biển đảo.

Trong 10 năm qua, MTTQ các cấp phối hợp với BĐBP và cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương xóa được 572 thôn, bản trắng đảng viên, xóa 721 chi bộ sinh hoạt ghép, kết nạp 17.228 đảng viên; lựa chọn, bồi dưỡng, gửi đi đào tạo gần 3.000 cán bộ người địa phương.

MTTQ cũng phối hợp với BĐBP, các ban, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhiều mô hình sáng tạo trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo như chương trình: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Thông qua các chương trình trên, hơn 7.000 căn nhà; 300 công trình dân sinh; gần 25.000 con bò giống và hàng nghìn suất quà được trao tặng cho người nghèo ở biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn phối hợp với BĐBP tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ở biên giới tăng cường các hoạt động đối ngoại nhân dân thông qua tổ chức giao lưu văn hóa thể thao, kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới; tạo điều kiện cho nhân dân khu vực biên giới qua lại thăm thân, chúc Tết cổ truyền dân tộc, hợp tác kinh doanh, trao đổi hàng hóa... Đến nay, có 177 cặp cụm dân cư hai bên biên giới kết nghĩa.

Những hoạt động trên đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng khu vực biên giới, biển đảo ngày càng vững mạnh, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước hội nhập quốc tế.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: “Các cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo được triển khai rộng khắp trong cả nước, huy động nguồn lực to lớn giúp đỡ các xã biên giới và các đồn, trạm Biên phòng phát triển kinh tế và thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới... Qua đó tăng cường gắn bó, đoàn kết quân dân, kịp thời cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển đảo và cán bộ, chiến sĩ BĐBP khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, yên tâm bám trụ nơi biên giới, biển đảo”.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO