Biên phòng - Nhờ "diệu kế" của một sĩ quan ở Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam mà giờ đây, nhiều người lính chuyên nghiệp công tác tại vùng đất Tây Nguyên xa xôi hẻo lánh đã ổn định chỗ ở, yên tâm công tác, vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.

Xây nhà đồng đội bằng… 100 đồng
"Nghe rất khó tin, đúng không? Thời buổi này, 100 đồng đúng là chẳng thể làm được việc gì, nhưng hàng ngàn, hàng triệu lần 100 đồng sẽ là số tiền không hề nhỏ" - Thiếu tá Đặng Thành Tuyên, Trưởng ban Công tác Thanh niên Quân đoàn 3 mở đầu câu chuyện.
Rồi anh kể, năm 2011, Trung ương Đoàn phát động cuộc thi "Hiến kế tặng Đoàn". Ý tưởng chương trình xây quỹ "Ngôi nhà 100 đồng" do Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Trợ lý Thanh niên Cục Chính trị (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) nghĩ ra đã đạt giải Nhất. Sau đó, vì mang tính khả thi cao nên ý tưởng này được áp dụng trong toàn quân.
Tại Quân đoàn 3, từ tháng 3-2012, phong trào được bắt đầu triển khai từ đoàn viên, thanh niên. Theo đó, mỗi ngày, mỗi đoàn viên tự nguyện tiết kiệm 100 đồng, mỗi tháng sẽ có 3.000 đồng, nhiều tấm lòng góp lại thì có thể làm nên việc lớn. Cách thức phổ biến nhất là, sau khi uống xong lon nước ngọt hay lon bia, mỗi người đều nhớ mang vỏ về đơn vị, nó có giá trị 300 đồng. Rồi việc thu gom những tờ báo cũ hay bút bi hết mực... tất cả những thứ không dùng nữa nhưng có thể tái chế, tái sinh đều có thể bán được tiền gây quỹ. Ngoài ra, lúc làm việc, anh em giảm bớt các thiết bị điện không cần thiết cũng là cách góp tiền vào quỹ này.
Hiện nay, tất cả các đơn vị của Quân đoàn 3 đều xây dựng các thùng rác được gọi là nguồn nuôi "Ngôi nhà 100 đồng". Từ đây, rác và các vật liệu có thể tái chế được các đoàn viên gom lại, phân loại và tiến hành bán để nộp vào quỹ. Việc làm trên còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung.
Từ năm 2012 đến nay, dù mỗi ngày mỗi người chỉ góp 100 đồng, nhưng Quân đoàn 3 đã tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng, xây dựng được 17 "Ngôi nhà 100 đồng" (mỗi căn từ 50 triệu - 60 triệu đồng, tổng trị giá là 940 triệu đồng) tặng các cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn và người có công với cách mạng. "Với ý nghĩa thiết thực đó, phong trào đã lan rộng trong toàn Quân đoàn, kể cả lãnh đạo Bộ Tư lệnh, chỉ huy các đơn vị đều tích cực tham gia, khiến số tiền tiết kiệm được ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, đây cũng chính là một trong những nguồn để Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động thiết thực ở cơ sở" - Thiếu tá Tuyên hào hứng kể.
Chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc
Là một trong những người vừa được nhận "Ngôi nhà 100 đồng", quân nhân chuyên nghiệp Đào Văn Nam, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 273 (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) không khỏi xúc động khi nhớ lại giây phút khó quên ấy. Mới ngày nào, vợ anh thất nghiệp, chăm con nhỏ. Đồng lương vốn eo hẹp của anh lo chuyện ăn ở hàng ngày đã hết sức chật vật, làm gì dám nghĩ đến căn nhà riêng. Khi hay tin được các đồng đội bầu xét tặng "Ngôi nhà 100 đồng", nhiều đêm liền vợ chồng anh Nam không thể chợp mắt, hồi hộp vì sắp thoát khỏi kiếp nhà trọ. "Chúng tôi không chỉ được giúp tiền mà đồng đội còn đến giúp đỡ công xây cất, đơn vị còn ủng hộ những vật dụng cũ còn dùng tốt để làm nên căn nhà. Đến giờ này, nhờ sự gom góp tiết kiệm hàng ngày của anh em đơn vị mà cuộc sống của tôi đã thay đổi đáng kể. Tôi nguyện sẽ đi đầu, đồng thời vận động anh em tích cực tham gia chương trình ý nghĩa này, để nhiều chiến sĩ có hoàn cảnh như mình có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác" - Nam tự nguyện với lòng.
Cũng may mắn như anh Nam, quân nhân chuyên nghiệp Dương Quang Phúc (Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 273) được xét tặng "Ngôi nhà 100 đồng" vào cuối năm 2015. Căn nhà ở tổ 4, phường Thắng Lợi (TP Pleiku, Gia Lai) dù còn đơn sơ nhưng rất ấm áp. Vợ anh Phúc là chị Hoàng Thị Huệ kể, chị quê Nghệ An, anh quê Hà Tĩnh. Lấy nhau, chị theo anh lên Tây Nguyên, thuê trọ ở huyện Đắk Đoa. Sau vì không xin được việc làm nên chị phải lên TP Pleiku, mất thêm 5 năm ở trọ để tìm cơ hội. Khi chị vẫn chưa tìm được công việc ổn định thì đứa con gái đầu lòng chào đời khiến cho cuộc sống của hai vợ chồng càng thêm khốn khó. "Ngày nhận tin được xét tặng nhà, tôi đã rấm rứt khóc suốt vì quá sung sướng. Khi đã ổn định chỗ ở, niềm vui như được nhân đôi khi tôi cũng tìm được công việc có thu nhập tốt. Tôi sẽ cố gắng chăm lo chu tất việc gia đình để chồng yên tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà đơn vị giao" - chị Huệ tâm sự.
Theo Thiếu tá Đặng Thành Tuyên, quân nhân chuyên nghiệp có hoàn cảnh khó khăn (nhất là về chỗ ở) tại Quân đoàn 3 còn rất nhiều. Bởi, đa số họ đều từ phía Bắc vào đây làm nhiệm vụ. Vì là "quân lệnh như sơn", giờ giấc eo hẹp, cộng thêm điều kiện công tác xa xôi nên hầu hết họ đều lấy vợ ở quê. Khi vợ chồng đưa nhau vào đây, đa số vợ chiến sĩ đều không có việc làm, lại không được hỗ trợ từ phía người thân nên hoàn cảnh rất khó khăn. "Chính vì thế, việc góp gió thành bão trên đã phần nào làm ấm lòng các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu tại những nơi xa xôi, heo hút, giúp họ vượt qua hoàn cảnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó" - Thiếu tá Tuyên chia sẻ.
Tùy Phong