Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 06:55 GMT+7

Vững vàng nơi đầu sóng

Biên phòng - Quản lý địa bàn rộng, dân số đông, có nhiều phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn, nên Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An gặp không ít khó khăn, thách thức trong công tác duy trì an ninh trật tự trên biển và địa bàn khu vực dân cư. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang triển khai đồng bộ các biện pháp, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Tổ công tác Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận tạm giữ các phương tiện khai thác hải sản trái phép. Ảnh: CTV

Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận được giao nhiệm vụ quản lý 19,5km bờ biển và địa bàn 9 xã ven biển thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, với dân cư đông đúc. Đời sống nhân dân trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào ngư nghiệp, diêm nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn 9 xã do Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý có 936 tàu cá công suất lớn, với 6.411 lao động thường xuyên vươn khơi, bám biển. Cùng với đội tàu cá xa bờ hùng hậu, các xã do Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận quản lý còn tồn tại khá nhiều phương tiện khai thác trong vùng lộng, phổ biến như bè mảng, thuyền lắp máy có công suất nhỏ, với 1-2 lao động cùng các loại ngư cụ như lưới, câu...

Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời, động viên ngư dân vừa khai thác hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Qua đó, ngư dân luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành các quy định khi đánh bắt hải sản, đồng thời, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Đến nay, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã phối hợp với chính quyền địa phương duy trì hoạt động của 51 Tổ tàu thuyền đoàn kết với trên 300 phương tiện đăng ký tham gia.

Thiếu tá Thái Văn Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận chia sẻ: "Đang những ngày trăng, phần lớn tàu câu mực đều về bờ nghỉ, đơn vị tổ chức lực lượng bám bến bãi để tuyên truyền cho ngư dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt là phòng, chống cháy nổ trên các phương tiện, khi mà thời tiết đang nắng nóng gay gắt".

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà đại bộ phận ngư dân trên địa bàn luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa lao động sản xuất, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số chủ phương tiện, chủ yếu là hoạt động khai thác gần bờ, vì lợi nhuận trước mắt, vẫn lén lút khai thác hải sản bằng những hình thức bị pháp luật nghiêm cấm như sử dụng kích điện, hoạt động giã cào sai khu vực...

Điều đó không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản, mà còn gây bức xúc cho những ngư dân chân chính. Ông Nguyễn Văn Dũng, một ngư dân ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết: “Một số tàu giã cào, gắn điện ở các địa phương khác vẫn lén lút hoạt động trên khu vực biển gần bờ của xã chúng tôi. Không một loại thủy sinh nào có thể sống được khi sa vào lưới của các tàu cá trên, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên biển là rất rõ ràng. Chúng tôi mong rằng, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần có các biện pháp cứng rắn để đẩy lùi hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp".

Trước thực trạng trên, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã tổ chức các biện pháp đấu tranh, bắt giữ và xử phạt các phương tiện vi phạm. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã bắt 34 vụ/33 phương tiện vi phạm quy định về khai thác hải sản trên biển, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 124 triệu đồng. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu bắt 6 vụ/7 đối tượng vi phạm pháp luật, thu giữ 24kg thuốc nổ, 75 kíp nổ và 122kg pháo.

Thiếu tá Thái Văn Dũng cho biết, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị gặp không ít khó khăn: "Phần lớn các tàu cá vi phạm đều hành nghề vào ban đêm, nếu sử dụng ca nô chuyên dụng, các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu tán tang vật vi phạm xuống biển. Để bắt quả tang hành vi của chủ phương tiện, lực lượng thực hiện nhiệm vụ phải bám tàu cá của ngư dân địa phương, mật phục cả thời gian dài. Mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định rất cao, nên các đối tượng trên tàu cá vi phạm sẽ chống trả rất quyết liệt".

Hiện nay, cùng với công tác tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức hội nghị bàn về các giải pháp quản lý, kiểm soát các tàu, thuyền hoạt động trên biển trái quy định của pháp luật. Qua đó, đã thống nhất một số phương án như hỗ trợ ngư dân có phương tiện công suất nhỏ thường vi phạm quy định đánh bắt, khai thác hải sản chuyển đổi nghề. Đồng thời, đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp với BĐBP thực hiện nghiêm các biện pháp để bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản, giữ sinh kế lâu dài cho nhân dân địa phương.

Viết Lam

Bình luận

ZALO