Biên phòng - Những ngày đầu tháng 4, nắng ấm đã tràn khắp đất trời, nhưng khi đến với Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang, chúng tôi vẫn được chứng kiến hiện tượng sương mù, mưa và gió rét. Trong điều kiện khắc nghiệt ấy, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái vẫn quyết tâm bám biên giới, động viên nhau cùng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Chúng tôi đến Đồn Biên phòng Xín Cái lúc gần 7 giờ sáng sau hành trình vượt quãng đường lổn nhổn đá, với nhiều đoạn cua, đèo dốc từ trung tâm xã Mèo Vạc. Doanh trại đồn Biên phòng chìm trong sương đã thực sự gây ấn tượng mạnh trong tôi. Cùng với đó là những cơn gió lạnh khiến ai cũng phải rùng mình. Bước vào khu nhà chỉ huy đồn, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nền nhà loang loáng nước, hấp hơi sương dù những chiếc giẻ lau được sử dụng liên tục cũng không thể làm khô nền trong thời tiết mưa sương, ẩm ướt này.
Đồn Biên phòng Xín Cái có nhiệm vụ quản lý trên 23,8km đường biên giới thuộc 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Địa bàn nằm trong vùng thường xuyên có gió lạnh và sương mù che phủ đến nỗi ai cũng thuộc nằm lòng câu thơ truyền miệng “Ruồi vàng, bọ chó, gió Thượng Phùng”. Bên cạnh đó, thời tiết nơi đây vô cùng khắc nghiệt. Ngày Hè thì nóng bức, mùa Đông nhiệt độ lúc nào cũng thấp hơn các địa bàn khác là 3-4 độ C.
Địa bàn Đồn biên phòng Xín Cái phụ trách là một trong những địa bàn "nóng" nhất về hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới phía Bắc. Thiếu tá Tạ Tấn Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái cho biết: “Để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đơn vị phối hợp chính quyền địa phương triển khai 7 chốt trên biên giới. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Đồn Biên phòng Xín Cái đã phát hiện 960 vụ xuất, nhập cảnh trái phép, bắt giữ, thu dung 7.737 công dân và đưa đi cách ly y tế theo quy định”.
Khoảng gần 9 giờ, mặt trời lên cao kéo theo những tia nắng khiến sương mù tan dần, xua bớt cái lạnh nơi biên giới. Tôi đến thăm chốt phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị tại khu vực cột mốc 450 thuộc thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng. Một vườn rau xanh ngát được trồng phía trước chốt. Trên nóc chốt, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió khiến chúng tôi không khỏi xúc động, cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc.
Tại đây, hiện có 5 cán bộ túc trực 24/24 giờ, trong đó có 3 cán bộ Biên phòng, 1 công an viên và 1 chiến sĩ dân quân. Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Ma Seo Chang là quân nhân được tăng cường từ Đồn Biên phòng Thàng Tín, BĐBP Hà Giang cho biết: “Thời gian tôi được tăng cường lên chốt cũng là lúc bắt đầu đợt lạnh nhất của mùa Đông năm ngoái. Thời điểm đó, nhiệt độ liên tục giảm sâu, gây ra hiện tượng băng giá, thậm chí tuyết phủ trắng đất trời. Tuy vậy, các anh em trên chốt vẫn bận rộn không ngừng nghỉ với việc tuần tra biên giới, xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép”.
Trung úy Chang cũng như các anh em khác của đơn vị tích cực bám đường biên chống dịch, đằng đẵng mấy tháng trời không về thăm nhà. Được biết, lúc Trung úy Chang tăng cường lên Đồn Biên phòng Xín Cái làm nhiệm vụ thì con thứ 2 của anh mới chào đời. Dù 2 con còn khá nhỏ ở quê với vợ nhưng người lính ấy, khi đã đi làm nhiệm vụ thì luôn xác định công việc là ưu tiên hàng đầu, trong khó khăn cũng phải gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Cùng với thời tiết khắc nghiệt, khó khăn nữa với anh em ở chốt vẫn là thiếu nước sinh hoạt và không có điện. Hằng ngày, anh em phải thay nhau đi chở nước từ nhà dân về dùng, thức ăn đông lạnh phải để nhờ tủ lạnh nhà dân” - Trung úy Chang cho biết.
Từ chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực cột mốc 450, chúng tôi xuôi xuống chốt chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại khu vực cột mốc 457 nép mình dưới những cây sa mộc. Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng, chốt trưởng với gương mặt sạm nắng, gió. Anh bảo, từ tháng 4 đến tháng 12-2020, có ngày, anh em tại chốt phát hiện khoảng hơn 100 người nhập cảnh trái phép. Có khi đang ăn cũng phải bỏ dở bữa ăn. Có tốp người nhập cảnh vào ban đêm, trong thời tiết lạnh giá và sương mù dày đặc, mỗi người phân tán một hướng làm anh em trên chốt phải vất vả chia nhau đi tìm kiếm khắp nơi dọc đường biên giới.
Ngồi trong chốt, tôi nghe rất rõ tiếng gió rít bên ngoài. Những tán cây sa mộc chuyển động theo gió, đập vào mái tôn ràn rạt. Dù đất trời đang ở độ cuối Xuân mà gió còn mạnh như thế mới thấy thời tiết ở đây khắc nghiệt nhường nào. Thượng úy Cháng bảo, lều bạt dã chiến ở đây chỉ tồn tại được 2 đến 3 tháng vì dầm mưa, gió lạnh và sương mù nhiều nên dễ rách. Cứ bạt rách lại thay, cũng đã thay vài lần. Cờ đỏ sao vàng trên nóc chốt thì khoảng hơn chục ngày cũng phải thay...
Khi nghe Đồn trưởng Tạ Tấn Hoàng nói chuyện về chốt xa nhất của đồn, chúng tôi ngỏ ý muốn đến. Vậy là, một cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái chở tôi bằng chiếc xe Win, vượt qua con đường đất hẹp, dốc, từ trên núi cao nhằm hướng xuống sông Nho Quế mà đi. Thế mới thấy, việc đi lại khó khăn cũng là thử thách với những người lính Biên phòng trực chốt nơi đây.
Sau hơn 1 giờ, chúng tôi cũng tới được chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Khai Hoang 1 nằm sát bờ sông Nho Quế. Khi chúng tôi đến, chốt có 4 người túc trực, trong đó có 2 cán bộ Biên phòng. Đại úy Đặng Thanh Thủy, cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng, BĐBP Hà Giang tăng cường sang đây từ tháng 11 năm ngoái cho biết, ban đầu, chốt không có điện, nước. Sau đó, anh em phải kéo nhờ đường điện từ nhà dân trong thôn về, mỗi tháng trả tiền cho họ. Nước sinh hoạt cũng dần có từ việc tìm được nước trong khe núi dẫn ống về chốt, nhưng nước không nhiều, nên anh em trên chốt đều phải tiết kiệm khi dùng nước. Còn đồ ăn, thức uống thì anh em trên chốt đều nhờ người dân qua lại mua hộ. “Nói là có điện nhưng điện rất yếu, anh em chỉ dám dùng để thắp sáng và thỉnh thoảng bật quạt chứ không dùng để chạy tủ lạnh hay ấm siêu tốc được. Mùa Hè ở đây nóng như nung, không có quạt thì không chịu nổi” - Đại úy Đặng Thanh Thủy tâm sự.
Chiều muộn dần buông xuống, dòng Nho Quế trong xanh vẫn hiền hòa chảy, khói bếp bảng lảng trên những nóc nhà của đồng bào các dân tộc. Có mấy ai biết được, để có được sự thanh bình ấy, đã có những đóng góp thầm lặng của những người lính Đồn Biên phòng Xín Cái. Dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, các anh luôn động viên nhau bám trụ nơi biên giới, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên những gương mặt rám nắng, sương gió biên thùy ấy, lúc nào cũng thấy niềm lạc quan của các anh về một ngày hết dịch để sớm được về thăm nhà - nơi có vợ và những đứa trẻ luôn mong ngóng người chồng, người cha trở về...
Thanh Thuận