Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 01:16 GMT+7

Vững vàng những "Căn cứ hậu cần" trên biên giới

Biên phòng - Yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” luôn là chiếc “chìa khóa vàng” để mở ra thành công trên mọi lĩnh vực cuộc sống. Công tác hậu cần trong Quân đội nói chung, chuyện “cơm áo gạo tiền” của các đơn vị Biên phòng (BP) trên biên giới tỉnh Đắk Lắk nói riêng cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk và Phòng Hậu cần kiểm tra công tác tăng gia sản xuất ở đồn BP. Ảnh: Kim Nga

Có thể nói, trong 10 năm qua, bên cạnh việc phát huy các nguồn nội lực, sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo, chỉ huy và chính quyền địa phương các cấp, thì Nghị quyết số 623-NQ/QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã mở ra thời cơ và tầm nhìn chiến lược để BĐBP Đắk Lắk từng bước tạo dựng nên những “căn cứ hậu cần” trên biên giới.

“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

Trải dọc Vườn quốc gia Yok Đôn, địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk mang đậm hình thái thời tiết, khí hậu hai mùa mưa nắng điển hình của Tây Nguyên. Có nhiều khu vực do nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng khộp, với nền địa chất chủ yếu là lớp đất sét và dải đá bàn trải rộng, nên hễ “mưa xuống là ngập, nắng lên là hạn”. Nói như thế để thấy, yếu tố “địa lợi” ở đây là nguồn quỹ đất phục vụ tăng gia sản xuất và địa bàn đóng quân xa khu dân cư, phòng tránh được nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, còn muốn có được vườn rau, củ, quả tươi tốt, đàn gia súc, gia cầm quy mô đa dạng thì tất cả các đồn BP trong tuyến đều phải tập trung cải tạo đất đai, chế ngự được sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu.

Để phát huy khả năng huy động các nguồn lực xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần trong thế trận quốc phòng toàn dân, bảo đảm cho các tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trong 10 năm qua, BĐBP Đắk Lắk đã quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh một mặt tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ hệ thống văn kiện tác chiến hậu cần, tổ chức luyện tập các phương án bảo đảm hậu cần, nhất là phương án trong các đợt diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương nhằm nâng cao trình độ, khả năng phối hợp hiệp đồng, cơ động và bảo đảm hậu cần trong các tình huống.

Mặt khác, làm tốt công tác dự trữ, quản lý, bảo quản lượng vật chất hậu cần cho nhiệm vụ đột xuất như: Tuần tra bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và gần đây nhất là phòng chống đại dịch Covid-19. Muốn làm được việc này, cần phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng các đồn BP, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động trở thành những “căn cứ hậu cần” trên biên giới.

Trên cơ sở nguồn quỹ vốn của đơn vị và đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh qua phong trào kết nghĩa, đỡ đầu các đồn BP (nhiều địa phương không chỉ hỗ trợ nguồn vốn, mà còn tặng các đồn BP máy móc, trang thiết bị phục vụ tăng gia sản xuất), tùy vào điều kiện thực tế các đơn vị, tập trung cải tạo đất đai, quy hoạch bài bản các phân khu trồng trọt, chăn nuôi, khai thác hiệu quả mô hình VAC, không ngừng nâng cao cả lượng và chất từ những sản phẩm do mình làm ra.

Đất không phụ công người, dưới cánh rừng khộp cằn khô “chơi vơi” trên nền đất sét và dải đá bàn, những cánh đồng lúa nước, vườn rau xanh, cây ăn quả dài ngày và đàn gia súc, gia cầm mang “thương hiệu” BP cứ thế ngày một phát triển. Bên cạnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng khu vực trồng rau xanh, cây ăn quả, trồng cỏ, ngô, lúa để dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đặt chỉ tiêu mỗi đồn BP duy trì đàn bò thường xuyên từ 15-35 con, đàn lợn từ 30-60 con, phát triển mô hình chuyển đổi một phần từ nuôi bò sang nuôi trâu ở Đồn BP cửa khẩu Đắk Ruê, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, chăn nuôi dê tại Đồn BP Yok Mbrê...

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đã thu được trên 60.000kg rau xanh, hơn 11.700kg thịt, cá các loại, thường xuyên đạt và vượt mức chỉ tiêu về tăng gia sản xuất do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đề ra, đưa thêm vào bữa ăn của bộ đội đạt trên 2.600 đồng/người/ngày.

Triển khai đồng bộ các giải pháp đưa công tác hậu cần lên tầm cao mới

Những kết quả xuất sắc đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương là cơ sở vững chắc để BĐBP Đắk Lắk tiếp tục phát huy lợi thế về “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” đưa công tác hậu cần lên tầm cao mới.

Ngay sau khi Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Nghị quyết 1658), để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp, với trọng tâm là gắn việc thực hiện Nghị quyết 1658 với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BĐBP tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và tiêu chí công tác “Hậu cần, tài chính ở các cơ quan đơn vị trong BĐBP”.

Đàn gia súc phát triển tốt tại đơn vị cơ sở thuộc BĐBP Đắk Lắk. Ảnh: Kim Nga

Các chỉ tiêu đặt ra đối với công tác hậu cần trên cơ sở chỉ tiêu do Bộ Quốc phòng, BĐBP giao, phải phù hợp với khả năng ngân sách của Trung ương, nguồn huy động từ ngân sách địa phương hỗ trợ, cũng như điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, khai thác hiệu quả các nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, bảo đảm cho các đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng lực lượng hậu cần BĐBP Đắk Lắk vững mạnh toàn diện.

Trong 7 nhóm giải pháp được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đưa ra, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, phục vụ tốt các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất; tăng cường xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần gắn với thế trận Biên phòng toàn dân; một số vấn đề về khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế về công tác hậu cần, cách nhận diện và đối phó với những nguy cơ, thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng được nhấn mạnh, đáp ứng tốt mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Khai thác tốt tiềm lực hậu cần để không ngừng nâng cao năng lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Đắk Lắk còn đặc biệt quan tâm đến công tác tham gia xây dựng địa bàn, nhất là mảng y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tạo được niềm tin và chỗ dựa vững chắc trong lòng nhân dân.

Trong 10 năm qua, quân y BĐBP Đắk Lắk đã tổ chức khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí cho hơn 11.200 lượt người, với trị giá thuốc cấp hơn 800 triệu đồng, điều trị bằng Đông y, châm cứu cho bà con nhân dân trên trên xã biên giới được trên 10.000 ca, làm tốt công tác xử lý cấp cứu bước đầu, kịp thời đưa nhiều bệnh nhân đi cấp cứu ở các cơ sở y tế tuyến trên. Những đóng góp thiết thực đó không ngừng củng cố niềm tin, thắt chặt tình đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận BP toàn dân vững mạnh, chung sức cùng BĐBP quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Trung tá Triệu Sinh Lâm, Phó Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP Đắk Lắk

Bình luận

ZALO