Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

Vững vàng đi về phương Nam chống dịch

Biên phòng - “Đã là người lính, chúng tôi luôn xác định tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ở trong vùng dịch, chứng kiến sự khổ cực của người dân, chúng tôi càng quyết tâm vượt qua mọi thử thách để giúp đỡ bà con vượt qua dịch bệnh” - Tâm sự của Đại úy, bác sĩ Trần Thành Vinh, một người con quê Bác xung phong vào tâm dịch tại thành phố Hồ Chí Minh ngay đợt đầu Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện tăng cường quân y cho các tỉnh phía Nam cho chúng tôi cảm giác ấm lòng và tin tưởng.

Đại úy, bác sĩ Trần Thành Vinh khám bệnh, động viên tinh thần cho bệnh nhân F0 tại nhà. Ảnh: Bình An

Bà con gọi, bộ đội có mặt ngay

Tới tối muộn, Đại úy Vinh, Trạm Quân y lưu động số 2, phường 2, quận 4, mới có chút thời gian trò chuyện với tôi sau một ngày làm việc mệt nhoài. “Bất cứ khi nào bà con gọi là chúng tôi có mặt, kể cả 1 đến 2 giờ sáng. Công việc ở đây rất nhiều, anh em không có khái niệm giờ nghỉ, ngày nghỉ, giấc ngủ vì thế cũng chập chờn” - anh Vinh cho hay.

Anh Vinh vào thành phố Hồ Chí Minh ngày 25-8, tham gia rất nhiều việc khác nhau như lấy mẫu làm test nhanh Covid-19 bóc tách các ca bệnh bị nhiễm Covid-19 (F0), khám sàng lọc, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân F0 tại nhà... “Hàng ngày, chúng tôi tiếp nhận thông tin từ các bệnh nhân F0, hướng dẫn họ tập thở, vận động và cấp thuốc điều trị cho họ. Người bệnh thường rất lo lắng, căng thẳng. Giúp bệnh nhân vượt qua tâm lý sợ hãi, giữ được tinh thần lạc quan là mình đã giành thắng lợi 50% rồi. Vì thế, chúng tôi thường xuyên động viên bệnh nhân an tâm và dặn dò “nếu có chuyện gì, cô chú cứ gọi cho chúng con, chúng con sẽ đến ngay” - anh Vinh kể.

Trạm Quân y lưu động số 2 có 5 cán bộ (2 quân y Biên phòng, 1 bác sĩ, 2 học viên của Học viện Quân y) và 3 tình nguyện viên. Công việc nhiều, mặc đồ bảo hộ kín mít, chạy đi chạy lại suốt ngày khiến anh em mệt lả nhưng vẫn động viên nhau cố gắng từng ngày. “Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn khi giao tiếp với người dân do sự khác biệt về âm ngữ địa phương. Tôi phải tập nói chậm để bà con nghe và hiểu được. Chúng tôi mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, người dân không nhận biết là bộ đội. Ban đầu, họ không hợp tác vì e ngại cán bộ y tế tiếp xúc với nhiều người, có thể mang mầm bệnh lây cho họ. Anh em rút kinh nghiệm, khi gặp người dân liền giới thiệu ngay là bộ đội ở ngoài Bắc tăng cường vào giúp miền Nam chống dịch, bà con mới nhiệt tình hợp tác” - anh Vinh chia sẻ.

Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay, anh Vinh và đồng đội đã là điểm tựa vững chắc cho người dân phường 2 vượt qua bệnh tật. Bà con quen hơn với tiếng nói của anh Vinh, nhưng ít người biết rằng, người lính Biên phòng này đã rất lâu chưa về thăm gia đình. Vốn là cán bộ của Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Nghệ An, tháng 3-2020, anh được tăng cường cho Đồn Biên phòng Mỹ Lý ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19.

Trên chốt chống dịch, anh đã trải qua những ngày gian khổ vì nắng nóng bỏng rát, đi qua mùa đông buốt giá, bị bọ chó, ruồi vàng đốt, cắn đau ngứa khắp người... Nhưng, cũng ngay trên chốt Biên phòng, anh không ngần ngại viết đơn xung phong vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi đọc báo thấy lực lượng y tế tại thành phố Hồ Chí Minh phải làm việc quá tải. Rất nhiều bạn bè tôi là bác sĩ ở trong đó cũng chia sẻ rất mệt vì bệnh nhân quá nhiều. Điều đó thôi thúc tôi tình nguyện đi vào tâm dịch. Tôi hy vọng mình sẽ góp thêm nhân lực, giúp giảm tải cho các bác sĩ ở đây” - anh Vinh tâm sự.

Viết đơn rồi, anh Vinh phải làm công tác tư tưởng cho vợ mình. Anh chia sẻ: “Con tôi còn nhỏ, một bé 8 tuổi, một bé 3 tuổi, trong khi mẹ tôi sức khỏe yếu đang phải điều trị. Lúc tôi nói xin đi miền Nam, vợ tôi rất băn khoăn, lo lắng. Tôi nói với vợ, ở đâu cũng là nhiệm vụ. Em cố gắng chu toàn việc nhà giúp anh. Khi cô ấy nói “anh đi cố gắng giữ gìn sức khỏe” là tôi biết mình có thể yên tâm lên đường”.

Càng khó khăn càng phải cố gắng

Chúng tôi trò chuyện với Thượng úy Lê Văn Trường khi anh đã bám trụ ở biên giới Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang gần 16 tháng nay. Anh Trường vốn là cán bộ của Cụm cơ động chó nghiệp vụ tại tỉnh Gia Lai được chi viện cho BĐBP Kiên Giang phòng, chống dịch Covid-19 từ tháng 5-2020 cùng với chú chó nghiệp vụ A Kây. Hơn một năm qua là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời người lính của Thượng úy Trường với những thử thách không dễ vượt qua. “Khi nhận nhiệm vụ, tôi xác định là sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng càng khó khăn càng phải cố gắng” - anh tâm sự.

Thượng úy Trường đang “trực chiến” ở Chốt kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 số 6. Chốt có 10 cán bộ, chiến sĩ, đảm nhiệm 2 điểm gác, chia ca trực cả ngày lẫn đêm, vì thế, thời gian nghỉ ngơi không nhiều. “Chốt ở khu đất trống, không một bóng cây nên rất nóng. Sự khó chịu còn đến từ hàng đàn muỗi, dĩn mỗi ngày, chúng tôi đốt hết một hộp nhang muỗi mà cũng vẫn bị đốt khắp người” - anh kể.

Thượng úy Lê Văn Trường (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội tuần tra biên giới. Ảnh: CTV

Ở phía cực Nam này, nỗi vất vả của người lính Biên phòng không chỉ là thời tiết khí hậu mà còn đến từ việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép. Thượng úy Trường cho hay: “Thời gian căng thẳng nhất là lúc đêm khuya. Từ 12 giờ đêm tới 5 giờ sáng là thời điểm đối tượng buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép hoạt động mạnh nhất. Nếu để một đối tượng có mầm bệnh lọt qua biên giới thì không ai có thể biết rõ hậu quả sẽ thế nào”. Vì thế, anh em trên các chốt gác dọc tuyến biên giới đều phải cảnh giác, căng mắt, căng tai quan sát biên giới suốt đêm. Ngược lại, bọn tội phạm cũng theo dõi cán bộ Biên phòng, chờ dịp thuận lợi là hành động. Khi bị phát hiện, truy đuổi, chúng lợi dụng địa hình vượt sông hoặc vượt đồng, bỏ chạy rất nhanh sang bên kia biên giới. “Tôi và đồng đội chưa một ai được ngủ tròn giấc mỗi khi đêm về” - anh Trường chia sẻ.

Trò chuyện với những người lính tăng cường, tôi cảm nhận họ luôn nỗ lực, cố gắng tới 200% trí lực của mình để thích ứng với điều kiện công tác mới. Tôi nhớ mãi lời nói của Trung úy Lê Văn Nhất, cán bộ thuộc BĐBP thành phố Đà Nẵng từng được tăng cường gần 8 tháng cho Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, BĐBP Kiên Giang chống dịch: “Đã theo nghiệp Biên phòng thì nơi nào cũng là nhiệm vụ chung. Những lúc mệt mỏi nhất, tôi thường tự nhủ bản thân cố gắng, cố gắng hơn nữa cho tròn trách nhiệm của người lính”.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO