Biên phòng - Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những biến động mạnh của thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong giai đoạn đầu năm và dự báo GDP Việt Nam năm 2020 đạt mức 4,9%.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc trên toàn cầu, các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng quý I năm 2020 ở mức 3,82% là rất đáng tự hào.
Mặc dù khu vực công nghiệp, dịch vụ đạt mức tăng trưởng thấp, nhưng vẫn có một số ngành là điểm sáng như: Hóa dược liệu; than cốc và dầu mỏ tinh chế; sản xuất linh kiện điện tử; thủy sản... Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tăng 0,5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 115 tỷ USD, thặng dư 2,8 tỷ USD; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên đến 8,55 tỷ USD; ngành bán lẻ tăng trưởng gần 6%.
Triển vọng trung hạn, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cho rằng, Việt Nam vẫn có một số động lực mang tính “đòn bẩy”, để duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 vào khoảng 4,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với nền kinh tế khu vực khi WB dự báo tăng trưởng của Singapore chỉ ở mức 1%; Thái Lan: 1,9%; Trung Quốc: 2,3%...
Việt Nam đang hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do để lấy lại đà tăng trưởng ngay cuối năm 2020 và đạt mức tăng trưởng 7,5% vào năm 2021, nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ, du lịch được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị phải tháo gỡ ngay các “nút thắt” đang kìm hãm động lực tăng trưởng. Đầu tiên là giải tỏa “điểm nghẽn” về thể chế, thủ tục hành chính, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Quý I, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vốn đầu tư toàn xã hội đang ở mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp trực tiếp cho GDP thêm 0,06%. Song quan trọng hơn, giải ngân mạnh vốn đầu tư công sẽ kéo các dòng vốn khác cùng “chảy” mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng nhanh và bền vững. Đặc biệt, nâng cao năng suất lao động cần phải được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế. Bởi, năng suất lao động nếu tăng được 1% sẽ giúp GDP toàn nền kinh tế tăng 0,94%. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu lao động giảm 5% lao động từ khu vực nông, lâm, thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, cũng góp phần tăng 0,25% GDP.
Với lợi thế trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế số là một công cụ hữu hiệu để chúng ta cải thiện năng suất lao động và hệ số ICOR (chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng GDP). Nếu hệ số ICOR giảm 1, thì GDP toàn bộ nền kinh tế sẽ tăng 1,42%.
Trước mắt, các chuyên gia kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi khi gói hỗ trợ kinh tế tổng thể lên tới 285 nghìn tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, sớm đi vào cuộc sống. Ngay trong đầu tháng 4, doanh nghiệp và người dân cả nước vững tin hơn khi Chính phủ triển khai chính sách bảo đảm an sinh xã hội, trực tiếp hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền ước tính ban đầu khoảng 62 nghìn tỷ đồng.
Những giải pháp đúng, trúng, quyết liệt của Chính phủ và sự đồng thuận cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước là cơ sở vững chắc để đất nước giành thắng lợi kép: Vừa chiến thắng dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thanh Thảo