Biên phòng - "Đời ông nội, đời cha, rồi đến đời tôi và con tôi đều gắn bó với biển. Biển đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân vùng biển chúng tôi, nó đã ngấm vào máu thịt rồi. Nghề ngư cực nhọc, gian khổ, nhưng ra biển cũng có nhiều niềm vui. Nhưng tự hào nhất là ra khơi thấy yêu Tổ quốc mình hơn" - Ngư dân Nguyễn Văn Thân, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa hồ hởi cho biết.
|
Tàu cá công suất lớn tại cảng cá Lạch Bạng chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng cho chuyến vươn khơi dài ngày. |
Những ngày này, về vùng biển xứ Thanh, qua các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc, Hoằng Hóa…, chúng tôi được chứng kiến ngư dân đang khẩn trương vận chuyển nhiên liệu, tư trang cá nhân, thức ăn, áo phao, sửa soạn lại ngư lưới cụ để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Trên mỗi nóc tàu, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tạo nên một không khí tưng bừng, phấn khởi, tất cả đều sẵn sàng rẽ sóng vươn khơi.
Với mỗi ngư dân xứ Thanh, từ bao đời nay, biển cả luôn là nguồn thu nhập quan trọng của họ. Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều hộ gia đình hoặc nhóm hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, trang thiết bị, ngư cụ đi biển hiện đại để đi biển dài ngày.
Thời gian gần đây, bất chấp việc Biển Đông "dậy sóng", những ngư dân xứ Thanh vẫn không chùn bước, từng đoàn tàu đánh cá thẳng tiến ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa… vừa tiếp nối cuộc mưu sinh như cách làm xưa nay, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hiện diện của những ngư dân trên những con tàu có công suất lớn với cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay đã tiếp thêm nghị lực cho các ngư dân yên tâm vươn khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hơn 40 năm "ăn sóng nói gió", lăn lộn với biển, ông Nguyễn Văn Thân, ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, là chủ của 2 con tàu có công suất trên 450CV, không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần gặp tai ương trên biển, ông cho biết: "Thời gian gần đây, tình hình trên Biển Đông, đặc biệt là ở ngư trường Hoàng Sa diễn biến rất phức tạp.
Tàu của Trung Quốc thường xuyên cản trở trong quá trình đánh bắt hải sản, nhưng anh em trong tổ tàu thuyền chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển, vươn khơi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ ngư trường, vì biển là nghề của mình, biển đem lại cuộc sống cho biết bao nhiêu thế hệ người dân vùng biển này, hơn nữa, mình khai thác trên vùng biển của đất nước mình thì việc gì phải sợ".
Là một trong số những người dày dạn kinh nghiệm đi biển, anh Nguyễn Văn Thơm, ở thôn Thanh Nam, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, là chủ của 2 chiếc tàu đánh bắt hải sản xa bờ, hiện anh còn làm thêm dịch vụ cung cấp hậu cần nghề cá trên biển chia sẻ: "Toàn huyện Tĩnh Gia chúng tôi hiện có hơn 1.000 tàu thuyền với trên 6.000 lao động trên biển. Đối với dân biển chúng tôi, ngư trường truyền thống Hoàng Sa đã nuôi sống gia đình chúng tôi từ bao đời nay. Vì vậy, chúng tôi vẫn kiên trì ra khơi bám biển, tiếp nối truyền thống của cha ông, không thế lực nào có thể ngăn cản được chúng tôi".
Đoàn kết, nêu cao ý chí
Ông Nguyễn Văn Hạnh, một ngư dân đã có hơn 40 năm thâm niên trong nghề đi biển ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương cho biết: "Những năm trước đây, những con tàu đánh bắt xa bờ thường mạnh ai nấy tìm ngư trường. Với cách làm này, không ít trường hợp khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển đành bất lực chịu cảnh đơn độc.
Giờ đây, nhờ các tổ tàu thuyền đoàn kết trên biển, ngư dân chúng tôi luôn hợp sức với nhau, hỗ trợ nhau để cùng khai thác hiệu quả. Việc vươn khơi bám biển của ngư dân xứ Thanh không còn đơn lẻ như trước mà thay vào đó là các tổ, đội đoàn kết cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác hải sản và cứu nạn trên biển, mỗi khi có sự cố xảy ra".
Anh Hà Văn Xuân, Trung đội trưởng Trung đội dân quân biển xã Quảng Nham chia sẻ: "Năm 2003, Trung đội dân quân trên biển được thành lập đã phát huy hiệu quả tích cực, tình trạng mất an ninh trật tự trên biển, tại các âu thuyền đã chấm dứt, các thành viên trong Trung đội đều thông báo, hỗ trợ nhau về ngư trường khai thác cũng như trong cứu nạn cứu hộ kịp thời".
Theo ông Đoàn Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, thời gian qua, việc thành lập Trung đội dân quân trên biển đã phát huy hiệu quả tốt, các thành viên trong Trung đội và các tổ tàu thuyền tự quản khi đi khai thác hải sản trên biển đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến chủ quyền, đặc biệt là các phương tiện nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta, thông qua các kênh thông tin, ngư dân đã kịp thời thông báo cho BĐBP để xử lý kịp thời.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều ngư dân đã mạnh dạn cải hoán tàu thuyền, đóng mới tàu có công suất lớn, tích cực tham gia vào các Trung đội dân quân biển, Tổ đoàn kết trên biển... Nhờ đó, đời sống ngư dân không ngừng được nâng cao, bên cạnh đó, thông qua tổ đoàn kết sản xuất trên biển, các ngư dân nâng cao hơn ý thức và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo "mỗi ngư dân là một cột mốc trên biển…".
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nguy hiểm trên biển, nhưng ngư dân xứ Thanh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết trong những chuyến vươn khơi. Bởi họ có niềm tin vào công lý và sự hậu thuẫn của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế luôn ủng hộ, đồng hành với Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.