Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:21 GMT+7

Vững “tay chèo” trong “cơn bão” Covid-19

Biên phòng - Dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình dịch bệnh, nhưng trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng gần 30% so với tháng 2-2019. Kết quả đáng ghi nhận này có sự đóng góp, vào cuộc tích cực của Bộ Công thương trong vấn đề tháo gỡ khó khăn, chủ động tìm kiếm các thị trường mới.

i7y4_12a
Xe tải vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn.  ảnh: Lê Đồng

Tháo “nút thắt”cho hoạt động xuất nhập khẩu

Bộ Công thương vừa công bố số liệu hoạt động xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo, trong tháng 2-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 37,1 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 1-2020 và tăng gần 30% so với tháng 2-2019. Trong đó, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 2,4%, đạt lần lượt là 36,92 tỷ USD và 37,1 tỷ USD. Cán cân thương mại trong 2 tháng đầu năm 2020 thâm hụt 176 triệu USD. 

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%; thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 5 tỷ USD, giảm 7,7%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD, giảm 9,3%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc trong tháng 1-2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12-2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,75 tỷ USD, giảm 35,3% và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD, giảm 20,1% so với tháng 12-2019.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1-2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trước tình hình này, Bộ Công thương đã triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình hình như: Theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên liên quan đến tình hình dịch bệnh, hoạt động sản xuất, thương mại tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản. Rà soát, đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu sang các nước có Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, hoặc tham gia ký kết trong khu vực thị trường phụ trách. Từ đó, đề xuất các thị trường có thể tăng cường xuất khẩu, phân tích những khó khăn cần tháo gỡ và đề xuất các biện pháp tiếp tục tận dụng khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại để bù đắp sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong quý I-2020. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đàm phán mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản. Trên cơ sở nội dung nêu trên, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu đối với các thị trường...

Những tác động của dịch Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác, do hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam như may mặc, linh kiện điện tử được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công thương đã tính đến 3 kịch bản khác nhau từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 với các cấp độ: Tốt (kiểm soát dịch trong quý I và II-2020), xấu (kiểm soát dịch vào cuối năm 2020) và rất xấu (dịch bệnh kéo dài chưa rõ thời gian chấm dứt) để lên các kịch bản ứng phó. 

Vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong đó, giao nhiệm vụ cho các đơn trực thuộc Bộ Công thương về các nội dung như: Phát triển xuất khẩu; tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất; tìm kiếm thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, chủ động đánh giá nhu cầu nhập khẩu của từng mặt hàng cụ thể ở các nước, những khó khăn vướng mắc của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo từng quý và có giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang các thị trường mới.

Kỳ vọng vào EVFTA

Bên cạnh những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh, Bộ Công thương cũng cho rằng, động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới có thể đến từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và sớm có hiệu lực trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Bộ Công thương cũng đã bắt tay ngay vào phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và các bộ, ngành trong nước để xây dựng kế hoạch thực thi có hiệu quả EVFTA, nghiên cứu sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thực thi EVFTA sẽ đi vào thực chất, đảm bảo hướng đến độ phủ nhận thức trong toàn xã hội và gắn với tạo điều kiện giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, khai thác tối đa cơ hội, giúp nền kinh tế lấy đà bật lên tăng trưởng bù lại trong nửa sau năm 2020.

EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giúp Việt Nam kết nối thị trường lớn thứ 2 thế giới và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Hiệp định Thương mại này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ...

“Bộ Công thương cũng chỉ đạo các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ tại các thị trường châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng, các khó khăn vướng mắc trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường sở tại. Nghiên cứu, đánh giá khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định EVFTA...” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia  sẻ.

Hiện nay, Bộ Công thương đang chủ động làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định EVFTA nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do hiệp định này mang lại.

Cẩm Linh

Bình luận

ZALO