Biên phòng - Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên các tuyến biên giới đang thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, vừa là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Do tính chất công việc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP là những người có nguy cơ nhiễm dịch bệnh Covid-19 rất cao. Để đảm bảo an toàn cho lực lượng tuyến đầu, Bộ Tư lệnh BĐBP bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP từ ngày 1-4-2021.

Ở thời điểm hiện tại, đã xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng ở Campuchia, gần biên giới với Việt Nam. Nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh và Kiên Giang được chọn tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên. Trong đó, ưu tiên cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia kiểm soát tại các cửa khẩu, các điểm chốt chặn. Các điểm tiêm vắc xin sẽ được tổ chức tại bệnh viện, bệnh xá, trạm y tế, điểm tiêm lưu động, nơi đã được tập huấn về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Mỗi điểm tiêm chỉ được tiêm dưới 100 người/buổi để thực hiện đầy đủ các bước khám sàng lọc, hỏi tiền sử bệnh. Người có dấu hiệu sốt, ho sẽ tạm hoãn, đợi buổi tiêm kế tiếp.
Trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, các đơn vị BĐBP tổ chức luân phiên cho cán bộ, chiến sĩ tại các đồn Biên phòng, cửa khẩu, tổ chốt đi tiêm theo kế hoạch và vẫn bảo đảm lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Tại BĐBP Kiên Giang và Tây Ninh, lực lượng quân y các đơn vị đã bố trí các khu vực tiếp nhận, khám sàng lọc, khu vực tiêm, khu vực theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị theo tiêu chuẩn an toàn về tiêm chủng của cơ quan y tế.
Cán bộ, chiến sĩ sau khi tiêm đã được các y, bác sĩ hướng dẫn chi tiết về theo dõi các biểu hiện bất thường và sức khỏe tại chỗ 30 phút. Sau đó, được đưa sang phòng theo dõi khoảng 1 giờ, rồi tiếp tục lên phòng nghỉ khoảng 7 giờ, nếu không có biểu hiện phản ứng sau tiêm mới trở về đơn vị công tác. Những cán bộ, chiến sĩ đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.
Trao đổi với phóng viên, Trung úy Nguyễn Duy Tân, Đồn Biên phòng Rạch Tràm, BĐBP Kiên Giang chia sẻ: “Có trong danh sách tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đợt này, tôi và đồng đội thấy vui vì được các cấp, các ngành quan tâm ưu tiên cho những người lính ở tuyến đầu chống dịch. Sau đợt tiêm, tôi và các cán bộ, chiến sĩ BĐBP sẽ càng vững tâm hơn nữa, tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh, an toàn địa bàn phụ trách”.
Trong ngày đầu, đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc BĐBP Kiên Giang và Tây Ninh được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Công tác tiêm ngừa diễn ra an toàn. Khu vực theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm được trang bị đầy đủ thiết bị theo tiêu chuẩn của cơ quan y tế. Tất cả cán bộ, chiến sĩ sau khi tiêm vắc xin đều không có biểu hiện bất thường. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, các đồng chí sau khi tiêm phòng được khuyến cáo tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K trong phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kiên Giang luôn khắc phục mọi khó khăn, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, luôn chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân trong quá trình làm việc.
Thượng tá Doãn Đình Tránh, Phó Chính ủy BĐBP Kiên Giang cho biết: “Việc tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang căng mình chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới, biển, đảo. Hầu hết, những cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị về tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đều rất phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và ngành y tế quan tâm. Qua đó, đã tiếp thêm động lực giúp cán bộ, chiến sĩ vững niềm tin, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên các địa bàn biên giới của tỉnh Kiên Giang”.
Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy BĐBP Tây Ninh cho biết: “Việc tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đang đóng quân tại biên giới ở thời điểm này là hết sức quan trọng và kịp thời. Đây là động lực lớn, giúp cho cán bộ, chiến sĩ an tâm, vững vàng trên tuyến đầu phòng, chống dịch, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Campuchia có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp”.
Theo Đại tá Phan Đình Hoài, Trưởng phòng Quân y BĐBP: “Việc tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 trong BĐBP đợt 1 năm 2021 (mũi 1) sẽ được ưu tiên dành cho các đối tượng là cán bộ, chiến sĩ phục vụ tại khu cách ly công dân tập trung đang thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum; cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đồn Biên phòng, cửa khẩu, tổ chốt khu vực biên giới thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP 6 tỉnh Tây Nam (Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang); đội tuyển Army Games 2021 đang tập trung huấn luyện tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng. Dự kiến, trong tháng 4-2021, sẽ tiêm gần 4.600 liều vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP”.
Phúc Trang