Biên phòng - Tính đến ngày 7-7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu, trong đó có 3 ca tử vong. Trước tình hình ca nhiễm bạch hầu tăng gấp 3 lần so với năm 2019, Bộ Y tế đã triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng, cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.

Theo đó, 1 triệu liều vaccine phòng bệnh bạch hầu sẽ được ưu tiên tiêm ngay cho người dân ở vùng có dịch của 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk) và các tỉnh có nguy cơ. Đồng thời, ngành y tế các địa phương thực hiện cách ly với tất cả những vùng có người mắc bạch hầu và khoanh vùng, dập dịch càng sớm càng tốt.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, diện mắc bệnh rộng hơn, đối tượng mắc bệnh không riêng ở trẻ em mà cả người lớn, dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua. Bởi, kế hoạch tiêm chủng quốc gia chỉ mới ngừng tiêm có 3 tuần trước khi bạch hầu bùng phát tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông.
Thực tế, 20 năm qua, nhờ triển khai tiêm chủng tốt cho trẻ em dưới 1 tuổi, Việt Nam cơ bản đã khống chế được bệnh bạch hầu. Từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi. Nhờ đó, nếu giai đoạn trước, hằng năm, nước ta ghi nhận hàng trăm ca bệnh bạch hầu thì những năm gần đây chỉ còn khoảng trên 10 ca bệnh/năm.
Đặc biệt, bước sang năm 2020, ngành y tế mở rộng tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, thành phố nguy cơ cao và khuyến cáo người lớn cần tiêm nhắc lại vaccine Td.
Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thừa nhận, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ trong cả nước, nhất là tại địa bàn Tây Nguyên rất thấp. Do tâm lý lo ngại dịch bệnh Covid-19, nên nhiều gia đình đã không cho con đi tiêm theo đúng lịch hẹn.
Số liệu từ Chương trình tiêm chủng quốc gia xác nhận, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trong 5 tháng đầu năm 2020 mới đạt 37,2%. Tỷ lệ tiêm vaccine sởi-rubella, DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Ở những địa phương đang diễn biến dịch bệnh bạch hầu phức tạp, tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu chưa tới 50%.
Thế nên, tất cả ca bệnh bạch hầu phát hiện vừa qua là những người không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu. Điều này cho thấy những “khoảng trống” trong Chương trình tiêm chủng quốc gia. Đặc biệt, tại những “vùng lõm” về tiêm chủng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết trẻ em mới chỉ tiêm một mũi vaccine phòng bệnh. Trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ 5 mũi và đúng lịch là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
Rõ ràng, cùng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, việc người dân nhận thức đầy đủ và tự giác tham gia tiêm vaccine phòng bệnh mới bảo đảm đầy đủ các điều kiện để khống chế các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh bạch hầu nói riêng một cách triệt để.
Mặt khác, các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, miễn dịch đối với bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian, nên việc tiêm nhắc lại cho trẻ em cũng như tiêm vaccine phòng bạch hầu cho người lớn là rất quan trọng.
Bộ Y tế đặt ra mục tiêu: 100% trẻ em được tiêm đủ 4 mũi vaccine phòng bệnh bạch trong tiêm chủng thường xuyên. Tiến tới năm 2022, hoạt động tiêm bổ sung mũi vaccine phòng bạch hầu thứ 5 cho trẻ 7 tuổi sẽ được triển khai trong phạm vi toàn quốc, để củng cố miễn dịch phòng bệnh cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Như vậy, Việt Nam sẽ khống chế được hoàn toàn căn bệnh bạch hầu nguy hiểm.
Tất nhiên, mục tiêu này chỉ thành hiện thực khi chúng ta xóa bỏ được hết các “vùng lõm” về tiêm chủng.
Thanh Thảo