Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 01:39 GMT+7

Vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thay đổi căn bản nhờ Chương trình 135

Biên phòng - Năm 2018 đánh dấu tròn 20 năm thực hiện Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135).

5c25e9b53f5e0209f70006f4
Ông Y Thông nhấn mạnh Chương trình 135 là căn cứ, cơ sở để xây dựng nhiều chương trình phát triển KT-XH và áp dụng chính sách an sinh đặc thù. Ảnh: Bích Nguyên

“Sau 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn lao”- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông khẳng định tại hội thảo “Chương trình 135-Dấu ấn 20 năm đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) do UBDT tổ chức sáng 28-12.

Khai mạc hội thảo, ông Y Thông nhấn mạnh: “Chính nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị các cấp, ngành địa phương, sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức quốc tế mà Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” của UBDT nói riêng và Việt Nam nói chung trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; là điển hình cho sự quan tâm về mặt chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS sinh sống tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa,vùng ĐBKK”.

Chương trình 135 được triển khai thực hiện qua 4 giai đoạn: Từ năm 1999-2005, 2006-2010, 2011-2015 và giai đoạn 2016-2018 theo các quyết định khác nhau của Thủ tướng Chính phủ. Qua từng giai đoạn, Chương trình 135 được thực hiện theo nhiều mô hình khác nhau. Mỗi một mô hình đều có mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với thực trạng kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa bàn cũng như khả năng cân đối nguồn lực cho chương trình.

Theo UBDT, xuất phát điểm, hầu hết các xã ĐBKK là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, biên giới cơ sở hạ tầng thiết yếu rất thấp kém hoặc chưa có; các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu. Dân trí thấp, tỉ lệ mù chữ và thất học trên 60%, nhiều bệnh tật, tập tục lạc hậu; điều kiện sản xuất rất khó khăn, chủ yếu phát rừng làm nương rẫy, du canh, du cư. Số hộ đói nghèo trên 60%.

qd8meg4nfx-9061_f_jq7ol0rc0_MMMT8418
Việc thực hiện Chương trình 135 đã giúp thay đổi diện mạo vùng DTTS, đặc biệt, hệ thống đường giao thông được mở tới tận thôn, bản. Ảnh: Bích Nguyên

Sau 20 năm thực hiện Chương trình 135, đến nay, hầu hết các xã ĐBKK đã có đầy đủ các công trình hạ tầng. Tuy quy mô còn nhỏ, số lượng còn hạn chế so với nhu cầu nhưng đã tạo thay đổi lớn về điều kiện KT-XH trên địa bàn.

UBDT cho biết theo thống kê sơ bộ, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn. Tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giai đoạn 1999-2005 giảm 4,5%/năm, giai đoạn 2006 đến nay giảm khoảng 3,5%/năm).

Kết quả thực hiện Chương trình 135 đã làm thay đổi nhanh và cơ bản diện mạo của nông thôn vùng dân tộc và miền núi, thực sự là lực lượng vật chất to lớn, góp phần thúc đẩy nhanh công tác giảm nghèo ở địa bàn ĐBKK này.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO