Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:37 GMT+7

“Vùng đất xương sọ” của người La Chí

Biên phòng - Tế gia súc cho người đã khuất là một “mã văn hóa” xuất hiện trong đời sống tâm linh của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhưng sau khi cúng tế, lấy xương sọ trâu, bò để “bêu” trên cọc, cắm bên mộ người chết thì chỉ có người La Chí ở Bản Phùng và Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang làm như vậy.

tdai_9a
Vùng đất Bản Phùng với bản làng xen lẫn những ngôi mộ có xương sọ trâu. Ảnh: Thụy Văn

Bản Phùng là địa chỉ nhắm đến của những người ưa thích du lịch Tây Bắc vào mùa lúa chín và mùa nước đổ. Ở đây có một thung lũng trải rộng toàn là ruộng bậc thang có cảnh quan đẹp bậc nhất và mang đậm màu sắc đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc. Ngôi làng của người La Chí bao quanh thung lũng này và họ tự hào rằng dân tộc La Chí là những người đầu tiên khám phá ra kỹ thuật làm ruộng bậc thang từ thời thủy tổ lập làng. Họ duy trì bảo lưu kỹ thuật đó đến ngày nay để xây dựng một cuộc sống ấm no nhờ biết trồng lúa nước trên núi.

Không quá nghèo đói nhờ làm chủ được vùng đất của mình, nên văn hóa tâm linh, phong tục tập quán của người La Chí cũng khác với nhiều dân tộc khác. Họ có những lễ cúng đình đám và phong tục phong phú, đám tang, lễ hội sung túc hơn hẳn những dân tộc khác ở miền núi.

Ông Long Văn Cảm, một trong những người La Chí trẻ tuổi, cấp tiến, hiện giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phùng nói rằng, dân tộc La Chí xem trọng nông nghiệp, trâu, bò thường là công cụ sản xuất, đồng thời là tài sản lớn của gia đình. Khi họ cúng tế trâu, bò cho người đã khuất, coi như làm một cuộc tế lễ quy mô. Gia đình nào càng có nhiều trâu, thì chứng tỏ gia sản càng lớn và họ càng cúng tế người chết nhiều lễ vật. Lễ cúng thường diễn ra vào dịp trước và sau Rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.

Một người đàn ông trung niên quấn lại chiếc khăn màu chàm trên trán để bước vào nghi lễ tế thần, chia sẻ với chúng tôi rằng, gia đình họ có một người chết vì bệnh trọng. Họ cúng tế 1 con trâu cho người chết với ý muốn đáp lại mọi đòi hỏi, hóa giải mọi oan khuất, từ nay người chết hãy yên nghỉ. Nếu người chết mang bệnh, thì cắt đứt sự di truyền lại cho người đời sau căn bệnh đó. Sâu xa của lễ cúng để người chết khỏi lưu luyến cõi dương gian, siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Sau khi cúng tế, người La Chí thịt con trâu tế chia cho toàn bộ dân làng ăn hết ngày hôm đó, không được để tới hôm sau.

Ngày hôm sau, chiếc đầu trâu được róc hết thịt rồi “bêu” lên chiếc cọc cắm bên mộ người chết. Cùng với nắng mưa, những chiếc sọ trâu trở nên rêu mốc theo năm tháng. Hiện nay, ở Bản Phùng, xen lẫn trong làng bản là những ngôi mộ có “bêu” xương sọ trâu, bò đã cũ, cảnh tượng mang lại sự tò mò, kỳ thú, đồng thời gợi lên những ham muốn khám phá đối với du khách; nhưng đối với người La Chí đó là hình ảnh rất đỗi bình thường, thân quen.

Người La Chí ở Bản Phùng hiện có nơi thờ tự chung gọi là khu Cù Tê. Nơi này để cúng thần linh và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó là nơi thờ tự một thủy tổ của dân tộc La Chí có tên là Hoàng Vần Thùng. Khu Cù Tê từng được tái tạo và dựng lại nhiều lần. Ban đầu nó chỉ là nhà lợp tranh, sau đắp đất và bây giờ được xây bằng gạch, lợp mái tôn, trong một khoảnh rừng gồm nhiều cây cổ thụ, chứng tỏ khu vực này vốn linh thiêng không ai xâm phạm.

Trên mái tôn của khu Cù Tê có mắc lại những chiếc sọ trâu lớn nhỏ, dấu tích của các cuộc tế lễ quy mô cộng đồng tích tụ lại. Mỗi mùa lúa chín, cúng cơm mới, họ tổ chức những cuộc tế thần linh, cảm tạ trời đất, thành hoàng cho mùa vụ bội thu. Những chiếc sọ trâu nhiều hay ít, lớn hay nhỏ đều thể hiện được mùa màng bội thu nhiều hay ít, dân bản có no ấm hay nghèo đói.

Ông Hoàng Vần Thùng là một người La Chí xuất hiện trong tuyền tụng và được thần thánh hóa, được coi là người có công trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống cộng đồng, đấu tranh sinh tồn của đồng bào dân tộc La Chí. Người La Chí tin rằng, ông là người dẹp loạn, yên dân, khai mở sự nghiệp, tổ chức cho đồng bào làm ăn, xây dựng và bảo vệ cuộc sống cộng đồng từ thủa khai thiên, lập địa. Hiện nay, ở một số nơi trên Bản Díu có tới 12 ngôi mộ lớn nhỏ khác nhau được cho là những ngôi mộ Hoàng Vần Thùng. Đây cũng là cách lý giải và quan niệm rằng, người thủ lĩnh giàu có và thanh thế như Hoàng Vần Thùng thường có nhiều ngôi mộ giả để kẻ thù không thể biết ông được chôn ở chỗ nào.

Tưởng nhớ công lao của Hoàng Vần Thùng, hằng năm, vào tháng 7 âm lịch, đồng bào La Chí lại tổ chức giết trâu cúng ông, gọi là lễ khu Cù Tê. Trong buổi lễ, các thầy cúng cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu cho con người sống đoàn kết, yêu thương... Chỉ là một lễ cúng thường niên, nhưng lễ cúng Hoàng Vần Thùng và lễ hội khu Cù Tê hằng năm có vai trò rất lớn trong đời sống cộng đồng người La Chí. Họ đề cao sự đoàn kết, yêu thương, cầu yên ấm, no đủ và dùng sức mạnh siêu nhiên để trấn áp cái xấu, bảo vệ những giá trị nhân văn.

Đối với cộng đồng người La Chí, lễ khu Cù Tê và lễ hội Hoàng Vần Thùng là dịp những người trong dòng họ gặp nhau, đến ngày này dù người ở xa mấy cũng trở về bên gia đình, dòng tộc, cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc...

Hiện nay, lễ hội Hoàng Vần Thùng và lễ Cù Tê là hai lễ hội dân gian truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Cho dù vùng đất phơi những chiếc sọ trâu, bò đầy bí ẩn ở trên núi với đường đi tới xa xôi cách trở vẫn còn xa lạ với nhiều người, nhưng văn hóa phong tục của người La Chí vẫn là một nét đặc sắc, có giá trị trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO