Biên phòng - Tính đến hết năm 2017, cả nước có 2.884 xã (tương đương 32,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong đó, có 305 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016-2020, tăng 524 xã (5,87%) so với năm 2016, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã.
Hiện còn 176 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với năm 2016. Có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh/thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 13 huyện so với năm 2016. 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 2,5% so với năm 2016).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống đạt được bình quân 13,69 tiêu chí xây dựng NTM.
Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn. Đồng bằng sông Hồng có 1.114 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 58,97%) và Đông Nam bộ có 274 xã (chiếm 60,35%). Trong khi đó, vùng miền núi phía Bắc mới có 299 xã và Tây Nguyên có 119 xã hoàn thành xây dựng NTM, chiếm tỉ lệ dưới 20%. Còn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 333 xã và Duyên hải Nam Trung bộ có 236 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỉ lệ dưới 29%.
Đặc biệt, trong khi các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương... có trên 85% số xã đã đạt chuẩn NTM và bước sang xây dựng NTM kiểu mẫu thì các địa phương như Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng với hầu hết các xã chỉ mới đạt dưới 7 tiêu chí.
Trong năm 2017, tổng nguồn vốn cho Chương trình xây dựng NTM khoảng 217.138 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 9.259 tỷ đồng (4,26%); ngân sách địa phương 22.152 tỷ đồng (10,2%) và các nguồn vốn huy động khác (lồng ghép từ các chương trình, dự án, tín dụng, doanh nghiệp, người dân đóng góp).
Bích Nguyên