Biên phòng - Nằm trong số những huyện nghèo nhất nước, huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lấy công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Bằng những chủ trương cụ thể, cách làm quyết liệt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng trong huyện biên giới này không ngừng được nâng lên. Cán bộ, đảng viên xác định rõ vai trò, trách nhiệm bám sát địa bàn hỗ trợ nhân dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Bài 1: Thách thức lớn từ vùng biên nghèo
Do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đặc điểm dân cư, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khiến cho huyện biên giới Kỳ Sơn vẫn nằm trong số những huyện nghèo nhất của cả nước. Không chỉ vậy, địa phương biên giới phía Tây Nghệ An này còn phải đối diện với rất nhiều thách thức như hệ thống chính trị cơ sở hoạt động yếu kém, một phận cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, quan liêu, xa dân.

Khó khăn chồng chất
Nếu để ý sẽ nhận ra, quãng đường, thời gian hành trình từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An lên đến thị trấn Mường Xén (trung tâm huyện Kỳ Sơn) và ra tới Thủ đô Hà Nội cũng tương đương nhau. Một phép so sánh nhỏ để thấy được sự xa xôi, cách trở của vùng đất biên giới phía Tây Nghệ An, nơi chính quyền địa phương và người dân đang phải thường xuyên đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn giới thiệu khái quát, ngắn gọn về vùng đất biên giới: “Toàn huyện Kỳ Sơn có diện tích tự nhiên khoảng 209 nghìn ha (trong đó, khoảng 90% là địa hình đồi núi dốc), địa phương có đường biên giới kéo dài trên 203km tiếp giáp với Lào, có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới. Dân cư trên địa bàn có khoảng 95% là đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống đoàn kết từ bao đời nay. Kỳ Sơn có thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.
Qua câu chuyện với đồng chí Vi Hòe, chúng tôi nhận thấy, phần lớn diện tích tự nhiên của huyện Kỳ Sơn là đồi núi dốc thường xuyên phải gánh chịu sự tác động của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất dễ gây ra thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Cụ thể, chỉ tính trong đợt mưa lũ vào giữa tháng 9/2022 đã làm nhiều tuyến đường, công trình dân sinh trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bị tàn phá nặng nề, ước tính tổng thiệt hại với số tiền lên đến 100 tỷ đồng (cao gấp 5 lần tổng thu ngân sách cả năm của toàn huyện).
Không chỉ thiên nhiên khắc nghiệt, Kỳ Sơn phải đối diện với nhiều khó khăn khác do đặc điểm dân cư trên địa bàn tạo ra. Đó là trên 95% dân số định cư, sinh sống ở Kỳ Sơn là đồng bào các dân tộc thiểu số, phân bố không đồng đều, nhiều cụm dân cư cách xa trung tâm huyện, xã, chưa có đường giao thông, điện lưới quốc gia. Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, phong tục, tập quán có nơi còn lạc hậu, phương thức sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Những nguyên nhân trên đã cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại đây.
Còn đó nỗi lo lớn hơn
Không chỉ gặp khó khăn do điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân cư, huyện Kỳ Sơn cũng phải đối diện với nỗi lo lớn hơn khi hệ thống chính trị cơ sở hoạt động còn nhiều hạn chế, tồn tại. Một số tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa như Bắc Lý, Mường Típ, Bảo Nam, Bảo Thắng… hoạt động chưa hiệu quả, thiếu nền nếp, còn tình trạng cán bộ, công chức “rượu sớm, trà trưa”, “bỏ trống công sở”.
Cùng với đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ cương vị chủ chốt tại một số địa phương chưa qua đào tạo cơ bản, thiếu ý thức rèn luyện, có biểu hiện ỷ lại cấp trên, quan liêu, xa dân. Nhiều địa phương cấp xã còn để xảy ra tình trạng mất đoàn kết do tư tưởng cục bộ giữa các dòng họ, dân tộc. Một thực trạng khác đó là nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Kỳ Sơn còn có tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng.

Hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều hạn chế đã cản trở quá trình đưa các chủ trương, chính sách của Đảng vàNhà nước đến với nhân dân. Cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng xa dân, không kịp thời nắm bắt được khó khăn, tâm tư nguyện vọng, phản ánh của bà con.
Thực tế ghi nhận, đã có thời điểm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn xuất hiện một số điểm “nóng” về an ninh, trật tự do sự yếu kém của hệ thống chính trị tại cơ sở. Điển hình như vụ tranh chấp đất giữa nhân dân 2 xã Huồi Tụ và Bắc Lý, nguyên nhân do những kiến nghị của người dân 2 xã không được chính quyền nắm bắt, đưa ra các giải pháp phù hợp, dứt khoát. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến vụ phá rừng quy mô lớn, diễn ra thời gian dài tại địa bàn xã Nậm Càn khiến cho một số cán bộ, người dân bị khởi tố, vướng vào vòng lao lý. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn ở xã Nậm Càn là do cán bộ chủ chốt buông lỏng công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên…
Hệ thống chính trị tại cơ sở còn nhiều tồn tại, hạn chế cũng là cơ hội để các đối tượng, tội phạm hoạt động phức tạp trên địa bàn, trong đó, phải kể đến hoạt động tuyên truyền đạo trái phép, tội phạm ma túy, mua bán người qua biên giới... Những yếu tố đó dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định về an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện biên giới.
Bài 2: Tạo đột phá từ hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
Viết Lam